Người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ sớm chịu ảnh hưởng từ giá cả leo thang sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, theo phân tích của hãng tin Reuters.
Hai nhà máy lọc dầu lớn của Saudi Arabia đã bị không kích vào cuối tuần qua, gây ra vụ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ lớn nhất thế giới trong 50 năm. Giá dầu thế giới đã chứng kiến sự nhảy vọt trong phiên đầu tuần, có lúc tăng đến 20% chạm mức hơn 71 USD/thùng.
Nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đứng ra nhận trách nhiệm vụ việc, song cả Mỹ và Saudi Arabia đều chĩa mũi dùi về phía Iran, dù nước này phủ nhận mọi cáo buộc. Nga và Trung Quốc cũng tuyên bố Mỹ và đồng minh đã quá vội vã trong việc đưa ra cáo buộc nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Một trạm xăng tại Jiddah, Saudi Arabia. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Vậy, câu hỏi được đặt ra là tình hình này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng toàn cầu. Hãng tin Reuters ngày 17-9 đã có bài phân tích về vấn đề này.
Theo Reuters, việc gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Saudi Arabia sẽ sớm dẫn đến sự tăng theo của giá xăng dầu khi dầu thô là nguyên liệu chính cho công nghiệp hóa dầu và là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu.
Giá xăng và diesel tăng sẽ tạo ra một tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thế giới. Giá các mặt hàng tiêu dùng đều chịu sự phụ thuộc vào giá vận tải, và đến lượt giá vận tải cũng phụ thuộc vào xăng và diesel.
Theo ông John Kilduff thuộc công ty đầu tư Again Capital, giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên "châu Á sẽ là khu vực nhạy cảm nhất với sự dao động của giá dầu do nền công nghiệp sản xuất, vốn sử dụng rất nhiều năng lượng của họ", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC.
Vào phiên giao dịch sáng 18-9, giá dầu thế giới đã giảm 6% sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman tuyên bố Riyadh sẽ sớm khôi phục lại sản lượng dầu.
Ông Salman cho biết 25% sản lượng đã được phục hồi chỉ sau hai ngày và sản lượng sẽ đạt mức 10 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9, và đạt 12 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 11.
Cùng với đó, việc cả Mỹ và Hàn Quốc và Nhật Bản đều có động thái xem xét khả năng sử dụng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình khi có diễn biến xấu đi cũng làm dịu bớt tình hình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo không lạc quan về giá dầu mỏ, khi cho rằng giá dầu có thể tăng hơn gấp đôi, lên đến 150 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran không được giải quyết một cách hòa bình.
Nguồn tin: plo.vn