|
Sau khi giá xăng, dầu giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cước.(Ảnh chụp tại Bến xe Giáp Bát) |
Sau khi giá xăng, dầu giảm, các doanh nghiệp vận tải ô tô đã có động thái giảm giá cước. Mặc dù mức giảm, thời điểm giảm giá đối với các doanh nghiệp khác nhau, song đợt điều chỉnh cước vận tải này được xem là có thể góp phần tích cực cho kiềm chế lạm phát, phục vụ lợi ích người tiêu dùng cũng như bảo đảm an sinh xã hội...
Giảm giá để giữ thị phần
Trong tuần qua, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã công bố giảm giá cước, với mức giảm phổ biến là 10% so với hồi đầu tháng 11. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, “đợt giảm giá xăng, dầu vừa qua đã đủ trọng lượng để kéo giá cước giảm. Nếu như những lần trước giá xăng, dầu chỉ giảm 500 đến 1.000 đồng, rất khó cho doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, thì đến sau ngày 8-11, giá xăng, dầu đã trở về mức trước ngày 21-7, lần tăng giá xăng dầu kỷ lục, vì thế việc giảm giá cước vận tải là tất yếu”. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có khuyến cáo chung cho tất cả các thành viên về việc giảm giá cước, “điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp giữ được thị phần mà còn phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Dự kiến trong tuần này, lần lượt 700 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trong tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô trên cả nước sẽ giảm giá cước. Ông Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết: “Chỉ đạo của hiệp hội là các doanh nghiệp sẽ giảm 8-10% giá cước. Thực tế là không phải đến bây giờ cước vận tải ôtô mới giảm, mà đã có những đơn vị làm trước đó, doanh nghiệp nào đã giảm thì có thể giảm ít hơn, nhưng phải bảo đảm trở về mức cước trước ngày 21-7”.
Đối với các hãng taxi, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng vừa nhóm họp để thống nhất việc giảm giá cước. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Các đơn vị thuộc hiệp hội cam kết sẽ giảm 10% giá cước sau khi tính toàn bộ chi phí và lợi nhuận”. Trao đổi với một số hãng taxi, có thể thấy rằng kế hoạch giảm giá cước đang được xúc tiến thực hiện. Tập đoàn Mai Linh đã thực hiện giảm cước từ ngày 14-11. “Mức giảm còn tùy thuộc vào từng loại dịch vụ, nhưng bên cạnh giảm giá cước chúng tôi sẽ tiếp tục tăng chất lượng phục vụ khách hàng cũng là một cách cạnh tranh”, ông Đào Vũ Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho biết. Trong khi đó, hãng taxi Hương Lúa đã giảm giá cước cho 20km đầu tiên từ 9.000 đồng/km xuống còn 8.000 đồng/km. Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hương Lúa thì đây là lần giảm giá thứ 4 của hãng, gần như tương ứng với mỗi lần giảm giá xăng, dầu.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến của người tiêu dùng băn khoăn về việc mức giảm không đồng đều giữa các doanh nghiệp cũng như một số doanh nghiệp vẫn giữ mức giá cũ, gây bất lợi cho khách hàng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Giá cước là do doanh nghiệp tự xây dựng và kê khai. Hiệp hội không thể thống nhất giá và cũng không được phép làm như vậy. Tuy nhiên, cước vận tải ôtô được điều chỉnh bởi thị trường, không có doanh nghiệp nào một mình một giá mà vẫn tồn tại được trong điều kiện cạnh tranh cao như hiện nay. Vì vậy, không thể có hiện tượng làm giá, độc quyền trong ngành vận tải ôtô”.
Còn nhiều rào cản sự linh hoạt tăng, giảm giá cước
Mặc dù Nhà nước không quản lý giá cước vận tải, các doanh nghiệp tự xây dựng giá cho mình, nhưng để giá cước vận tải tăng, giảm linh hoạt phù hợp với mặt bằng giá cả thị trường, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể làm được. Theo ông Đỗ Quốc Bình, hiện nay ngoài giá xăng, dầu chi phí đầu vào của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không những không giảm mà còn tăng, lãi suất ngân hàng, tiền bảo hiểm, thuế trước bạ đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. “Những chi phí này đều được tính vào giá cước, vì vậy doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán kỹ mới có thể kê khai giá cước mới”, ông Bình cho biết thêm. Mặc dù giá xăng, dầu sau nhiều lần giảm giá đã xuống khá nhiều, nhưng mức giảm mỗi lần quá ít, thời gian kéo dài cũng gây ra không ít sức ép lên doanh nghiệp. “Giá xăng, dầu phải giảm được 10%, doanh nghiệp mới dám nghĩ đến điều chỉnh giá cước. Mức giảm quá ít thì không chỉ ngành vận tải mà nhiều ngành khác không thể hạch toán nổi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Thực tế là kể cả khi đã tính toán được chi phí, có thể giảm giá cước, doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được ngay. “Quy định hiện hành trước khi giảm giá cước, doanh nghiệp phải kê khai với cơ quan tài chính, cơ quan thuế của địa phương trước 3 ngày”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Còn theo ông Đào Vũ Minh Tuấn, Tập đoàn Mai Linh: “Thủ tục mất thời gian nhất của chúng tôi là đăng ký và kiểm tra đồng hồ tính cước ở Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Cả miền Bắc mới có một trạm kiểm định đồng hồ, trong khi có hàng nghìn xe, nên muốn hoàn thành đúng thủ tục phải mất nhiều ngày liền với chi phí không nhỏ”. Vì vậy, ông Tuấn kiến nghị: “Doanh nghiệp nên được phép điều chỉnh đồng hồ tính cước. Chúng tôi cam kết là sẽ làm đúng, cơ quan chức năng có thể kiểm tra bất kỳ xe nào, nếu thấy vi phạm có thể xử lý nghiêm, như vậy tiết kiệm được cho doanh nghiệp nhiều thời gian và chi phí”.
Giá xăng, dầu và giá cước vận tải có liên quan chặt chẽ đến nhau, giá cước muốn linh hoạt phụ thuộc nhiều vào giá xăng, dầu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Để giá xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường cần phải có quy định về quản lý, hạch toán chặt chẽ, tránh hiện tượng độc quyền. Xăng, dầu không thể mỗi tháng giảm 2-3 lần mà phải có chu kỳ giảm giá, đủ thời gian cho doanh nghiệp vận tải điều chỉnh. Mỗi lần giảm không nên quá ít, mà có thể lập quỹ bình ổn giá, tăng hay giảm với mức nhất định thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”. Muốn lập ra một quỹ bình ổn, còn phải trả lời nhiều câu hỏi, nguồn quỹ từ đâu? Hoạt động thế nào? Ai quản lý? Trong thời gian đó, để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, giữ được thị phần của mình, giải pháp tốt nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn là tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả vận hành xe.
(Quân đội nhân dân)