Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Người dân đổ mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 4.000 đồng thuế môi trường từ 01/01/2019

Chuyên gia cho rằng với đối tượng thu nhập thấp trong xã hội, việc tăng thuế xăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ, do đó cần chú ý đến các biện pháp thuế công bằng. 

Người dân đổ mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 4.000 đồng thuế môi trường từ 01/01/2019

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tăng biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2019.Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).

Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Vận tải, nông nghiệp và thủy sản chịu tác động lớn nhất

Trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu không tác động tăng CPI năm 2018, đảm bảo dư địa điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế. Dự kiến, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07-0,09% CPI năm 2019.

Cơ quan soạn thảo cho biết xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác.

Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn (Quỹ Bình ổn giá BOG) để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.
Khi chính sách thuế mới đi vào áp dụng, theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất.

Đơn vị này lý giải, chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% -35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 -59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành.
Với tỷ trọng như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu do áp thuế bảo vệ môi trường kịch khung sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị liên quan.

Nhóm người thu nhập thấp dễ tổn thương

Cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường là điều cần thiết giúp có nguồn ngân sách để thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng lưu ý việc nâng mức thuế bảo vệ môi trường kịch khung đồng nghĩa với mức tăng 5% về giá xăng dầu. Do đó, nó sẽ gây ra những tác động nhất định.

“Việc tăng thuế đối với xăng có thể không tác động lớn đến lạm phát, nhưng gây ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động dễ bị tổn thương trong xã hội, nói cách khác là đối tượng có thu nhập thấp. Đó là những người lao động cơ bản, tiểu thương, kinh doanh, người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, công nhân…”, ông nói.

Ông phân tích, nhóm lao động này có giá trị gia tăng không cao, nên khi tăng thuế bảo vệ môi trường, họ sẽ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khó tránh, bởi xăng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành nghề. Giá xăng tăng, chi phí sản xuất của nhóm lao động này bị ảnh hưởng trực tiếp.

Mua lít xăng, người dân trả thêm bao nhiêu nếu tăng thuế môi trường?

Mỗi lít xăng gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế TTĐB 10%, VAT 10%, thuế môi trường hiện tại 3.000 đồng/lít. Nếu thuế môi trường lên 4.000 đồng thì người dùng phải gánh thêm 1.000 đồng.

Trong khi đó, nhóm này lại không có khả năng cải tiến mô hình kinh doanh, khả năng quản trị. “Họ không dễ giảm được chi phí. Người lao động cạnh tranh với nhau về giá, như người làm vận chuyển hay bán hàng, đâu dễ gì tăng giá được. Cuối cùng họ phải gánh vào mức thu nhập thôi”, ông nói.

Nói về mục đích bảo vệ môi trường, ông Hiển đồng tình với những quan điểm trước đây, khi Bộ Tài chính đánh thuế vào các mặt hàng xăng dầu bởi dễ thu hơn các nguồn phát thải khác. Mặt khác, những người lao động dễ bị tổn thương trong xã hội lại có thể không được hưởng lợi nhiều từ việc cải tạo môi trường sống xung quanh họ.

“Người lao động thường ở trong các khu vực chậm phát triển. Trong khi có thể những khu vực đó có môi trường không tốt bằng các khu vực của người khá giả. Cải tạo môi trường thường là những người có đất sẽ được thụ hưởng nhiều hơn”, ông nói.

Từ đó, ông Hiển đề xuất cần nghiên cứu đánh thuế môi trường để tạo công bằng hơn. Ông gợi ý có thể đánh thuế vào những người sở hữu nhiều nhà ở, nhiều đất đai… đó là những người được thụ hưởng về môi trường nhiều hơn những người khác.

Mặt khác, ông Hiển đề xuất cần giám sát chặt chẽ các nhà máy, công ty kinh doanh để giảm thải, các tòa nhà cao tầng dùng lãng phí năng lượng. Ông nhấn mạnh cần coi trọng khâu giám sát để không xả thải, hơn là tìm cách thu tiền để xử lý hậu quả của môi trường.

“Giám sát để người ta giảm xả thải tốt hơn việc anh thu thuế để xử lý những hậu quả đã thải ra. Đó là vấn đề mà cơ quan chức năng cần làm tốt hơn. Không giám sát được là chưa làm tốt khâu quản lý. Khi không làm tốt thì thu tiền của dân để xử lý là không hợp lý”, ông nói.

Nguồn tin: moitruong.net.vn

ĐỌC THÊM