Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nghịch lý dầu thế giới giảm, xăng trong nước tăng: Thật ra...

Giá dầu thế giới tiếp đà giảm sâu hơn 2% trong khi giá xăng Việt Nam vừa được điều chỉnh tăng mạnh. Chuyên gia đã chỉ rõ điều bất hợp lý.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, giá dầu WTI giao tháng 11 tại New York giảm 0,98 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, còn 52,64 USD/thùng. Nguyên nhân được đánh giá do tồn kho của Mỹ tăng khiến thị trường lo ngại khả năng dư cung


Nghịch lý điều hành xăng dầu: Thế giới giảm sâu, trong nước tăng mạnh. Ảnh: Vietnammoi

Tại thị trường London, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 11 trượt 1,2 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 57,69 USD/thùng.

Như vậy, tính tới phiên giao dịch ngày 3/10, giá dầu thế giới đã giảm 6 phiên liên tiếp sau khi dữ liệu về chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 10 năm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Trong bối cảnh đó, giá xăng tại Việt Nam lại được điều chỉnh tăng mạnh, lên tới gần 1.000 đồng/lít.

Theo đó, bắt đầu từ 18h ngày 1/10, giá mỗi lít xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 666 đồng, xăng RON 95 tăng thêm 923 đồng. Như vậy, sau 4 đợt giảm giá liên tục từ đầu tháng 8, giá xăng bán lẻ trong nước tăng mạnh trở lại. Điều này khiến giới chuyên gia trong nước rất băn khoăn.

GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, cách ứng xử với giá xăng dầu của Việt Nam luôn cho thấy không theo một quy luật nào.

Trong khi thế giới giảm Việt Nam lại  tăng, nhưng khi thế giới tăng thì Việt Nam lại tăng mạnh hơn.

Chỉ ra nguyên nhân, vị GS nói rõ đó là cơ chế độc quyền trong kinh doanh xăng, khiến việc điều chỉnh giá xăng dầu không theo quy luật thị trường mà lại theo sự điều khiển của một số doanh nghiệp đầu mối.

Nhấn mạnh các bất cập hiện nay, GS Đặng Đình Đào cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, sửa đổi tránh để người tiêu dùng chịu thiệt quá nhiều.

Điển hình như việc hạn chế số lượng doanh nghiệp đầu mối tham gia cung cấp, phân phối khiến môi trường kinh doanh xăng dầu thiếu bình đẳng, thiếu cạnh tranh.

"Trong Danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đăng trên website của Bộ Công thương, con số được ghi nhận ở thời điểm tháng 8/2019 là 32 thương nhân. Trong khi cả nước có tới hơn 750.000 doanh nghiệp thì con số này còn quá khiêm tốn", vị GS nói.

Nhìn vào thực tế, vị GS cho rằng việc duy trì hệ thống các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện nay không còn phù hợp.

GS Đào nhấn mạnh, trước đây xăng dầu chủ yếu phải nhập khẩu thì mới cần tới các doanh nghiệp đầu mối, hiện tại chúng ta đang sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước thì không cần tới sự tồn tại của các doanh nghiệp đầu mối này nữa.

Bên cạnh đó, cách điều hành xăng dầu theo Nghị định 83 hiện nay là rất lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Với những bất cập đang tồn tại ngành Công thương phải xem xét điều chỉnh, sửa lại Nghị định 83 về điều hành, quản lý xăng dầu. Vị GS cho biết, thời gian qua Nghị định đã thể hiện một số hạn chế về tính thị trường, tính tự chủ về giá của doanh nghiệp chưa cao... gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Việc điều chỉnh xăng dầu tăng theo khung 1 tháng 15 ngày là hoàn toàn không hợp lý.

Thực tế, tại mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng, ngành xăng dầu luôn vin cớ giá xăng dầu thế giới tăng nhưng GS Đặng Đình Đào nói thẳng đây là cách giải thích nhập nhèm, không thực tế.

Bởi trong giải thích này các ngành quản lý xăng dầu đã cố tình lờ đi nguồn cung xăng dầu dư thừa ở trong nước.

Cụ thể, theo báo cáo từ năm 2019, nguồn cung xăng dầu nội địa của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn sẽ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu trong nước, còn lại là từ nguồn nhập khẩu và các nhà máy chế biến condensate khác trong nước. Vì vậy, các đầu mối kinh doanh xăng dầu tập trung mua hàng từ hai nhà máy lọc dầu trong nước mà không nhập khẩu.

Ghi nhận của Cục Hải quan TP HCM, trong 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt 0 USD.

"Trong bối cảnh đó mà vẫn vận hành máy móc, nguyên tắc kiểu tăng giá định kỳ, tăng theo thế giới là khó có thể chấp nhận được", GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.

Ông cũng cho biết, việc quy định mỗi doanh nghiệp xăng dầu cứ bán ra 1 lít là đương nhiên có lãi 300 đồng hiện nay cũng không thể chấp nhận được. Cách điều hành này khiến một ngành kinh doanh trên thị trường không hề có rủi ro, đi ngược với kinh tế thị trường.

"Dư luận râm ran câu chuyện những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ cần ngồi một đêm tới sáng là có thể lãi hàng tỉ, vì sao thế?

Tôi cho rằng, đã đến lúc phải rà soát, thay đổi lại toàn bộ các văn bản điều hành giá xăng dầu không còn phù hợp đang tồn tại, gây cản trở quá trình phát triển.

Phải xóa bỏ độc quyền. Xóa bỏ cơ chế bảo đảm lãi cho doanh nghiệp. Đừng để khi nhắc tới ngành xăng dầu là người dân ấn tượng ngay đó là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Nhà nước chỉ bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp còn người dân luôn phải chịu thiệt, như vậy là không công bằng, không khách quan".

GS Đặng Đình Đào tỏ ra khó hiểu khi sự bất hợp lý đã nhìn thấy rõ nhưng không hiểu vì sao tới nay vẫn cứ duy trì như vậy. Ông đề nghị cần phải thay đổi, xem xét lại các văn bản điều hành bất hợp lý để có hướng điều chỉnh đúng đắn, theo cơ chế thị trường.

Vị chuyên gia cảnh báo, đây chính là kẻ hở dẫn tới hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng quản lý, kinh doanh tại lĩnh vực xăng dầu được phát hiện trong thời gian qua.

"Sai phạm được phanh phui tại 34 cơ sở kinh doanh xăng dầu với những lỗi điển hình như: mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, chất lượng không phù hợp quy chuẩn, bán giá cao hơn giá niêm yết… chính là do những lỗ hổng pháp lý này mà ra", ông Đào nhấn mạnh.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM