Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu: Quyết sách kịp thời

 Ngày 1/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu với nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá. Nghị định chính thức có hiệu lực từ 2/1/2022 được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá xăng dầu hợp lý và bám sát thực tế thị trường, người dân và DN cũng đón nhận quyết sách này với nhiều mong đợi nó sẽ giúp xăng dầu được bình ổn giá.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, người dân vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định, Nghị định 95 của Chính phủ cũng được coi là quyết sách kịp thời để trợ lực cho người dân, DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Một số nội dung quan trọng của nghị định phải kể đến là giá cơ sở xăng dầu được tính theo công thức mới, được xác định từ cơ cấu tỉ trọng gồm cả 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây. Với cách tính mới này, chúng ta vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, vừa đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.

Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm xuống từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Với tần suất điều hành như trên, giá xăng dầu trong nước sẽ được giữ ổn định nhờ giảm các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam nhưng vẫn bám sát giá xăng dầu thế giới.

Tại Việt Nam, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đặc biệt là hai Bộ cùng phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của DN và người dân.

Tuy nhiên, hiện tại, giá xăng dầu đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Cụ thể, tại kỳ điều hành chiều 26/10, giá xăng E5RON92 là 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 là 24.338 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục chắc chắn sẽ tạo áp lực đối với sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm và tác động rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế của nước ta. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự ra đời của Nghị định 95 sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ được ổn định giá xăng dầu. Đây được coi là giải pháp chiến lược nhằm phục hồi, kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác cũng như giữ lạm phát.

Một điểm đáng lưu ý là, dự báo giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu của năm 2022, do đó, Nghị định 95 khi áp dụng vào thực tế sẽ giúp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các DN bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu. Từ đó có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong năm 2022.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị định 95, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và phải xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp, hành vi vi phạm. Có như vậy, những quyết sách của Chính phủ hỗ trợ DN, người dân mới thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế nước nhà.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM