Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 13/6: Giá xăng dầu trong nước có thể điều chỉnh tăng

Do giá xăng dầu thế giới tăng cao nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành tới (ngày 13/6).

Giá xăng tăng do đâu?

Phiên giao dịch ngày 12/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới tiếp tục biến động khi thị trường tiếp nhận thông tin giá tiêu dùng của Mỹ tăng hơn dự kiến. Ngoài ra, việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn Covid-19 cũng khiến giá thay đổi.

Giá dầu Brent đã kết thúc tuần ở mức 120,6 USD/thùng, giảm 2,15 USD, tương đương 1,75%. Giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 119,6 USD/thùng, giảm 1,94 USD, tương đương 1,60%.

Tuy nhiên, dù giảm giá phiên cuối cùng của tuần, nhưng cả Brent và WTI đã có tuần tăng, với Brent là tuần thứ 4 liên tiếp và WTI tuần thứ 7 liên tiếp.

Giá dầu thế giới trượt dốc bởi thông tin ngày 10/6, nhiều bang ở Mỹ đã có giá xăng trung bình vượt mốc 5 USD/gallon, thậm chí, tại California lên đến 6,4 USD/gallon xăng.

Dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) giảm kỷ lục do nguyên liệu đầu vào của các nhà máy lọc dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020”- Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết.

Bên cạnh đó, đà trượt dốc của giá dầu còn được hỗ trợ bởi những cảnh báo về nguồn cầu từ Trung Quốc khi mà thành phố Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh của nước Đông Á này lại áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn COVID-19.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cũng dự báo, giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý III năm nay.

Bộ Công Thương cũng phân tích, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua tiếp tục có biến động mạnh. Nhu cầu xăng dầu được kỳ vọng tăng thêm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước trên thế giới tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Nga; tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC+ gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Nga. Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong hơn 10 ngày qua đã tăng mạnh, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Dữ liệu Bộ Công Thương cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/6/2022 và kỳ điều hành ngày 13/6/2022 là: 149,287 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,272 USD/thùng, tương đương tăng 3,66% so với kỳ trước); 154,745 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,798 USD/thùng, tương đương tăng 1,84% so với kỳ trước; 162,946 USD/thùng dầu hỏa (tăng 18,261 USD/thùng, tương đương tăng 12,62% so với kỳ trước); 166,591 USD/thùng dầu điêzen (tăng 19,628 USD/thùng, tương đương tăng 13,36% so với kỳ trước); 635,931 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 20,367 USD/tấn, tương đương giảm 3,09% so với kỳ trước).

Với tình hình giá xăng thế giới tăng cao như đã nêu trên, theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành tới (13/6).

Nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 700 - 1.000 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít.

Đẩy mạnh các giải pháp “hạ nhiệt” giá xăng dầu

Giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục là nỗi lo lớn của người dân và doanh nghiệp, là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội. Việc giá xăng dầu tăng cao đẩy giá các mặt hàng hóa khác, tăng áp lực lên lạm phát.

Trả lời về giải pháp khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế. "Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế"- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính rà soát lại các loại thuế và phí, xem phần nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, phần nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phần nào của Chính phủ. Theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần phải nghiên cứu các công vụ và giải pháp để hỗ trợ người dân khó khăn, ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao.

"Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không, không phải cái nào của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đâu. Giá theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận.

Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý; đồng thời tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tiếp tục tăng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành quỹ bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM