Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành năng lượng châu Âu có nguy cơ lâm vào khủng hoảng

Theo báo cáo mang tên "Toàn cảnh Thị trường Năng lượng châu Âu" vừa được công ty tư vấn Capgemini (Pháp) công bố, cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ kéo theo "sự tụt dốc" trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mà đang có nguy cơ kéo thêm nạn nhân tiếp theo là lĩnh vực năng lượng.

Báo cáo trên cho thấy, so với năm 2007, lượng tiêu thụ năng lượng điện của nhiều nền kinh tế đã giảm sút rõ ràng trong năm qua, trong đó đứng đầu là Anh (giảm 0,7%); tiếp đến là Thụy Sĩ (- 0,6%) và Bỉ (-0,5%). Đối với khí đốt, lượng tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU) cũng giảm khoảng 1,6% so với năm 2006.

Nhu cầu năng lượng giảm khiến giá năng lượng xuống thấp và làm các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái sinh chùn bước. Bên cạnh đó, các nỗ lực trong việc cải thiện an ninh năng lượng và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ bị đình trệ. Trên thực tế, tại châu Âu, các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng mới chỉ khởi sắc từ năm 2005 trở lại đây; nếu các nhà đầu tư không quyết tâm vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng thì chiến lược đầu tư dài hạn cho năng lượng sẽ bị đứt quãng và mang lại các hậu quả khó lường.

Theo tính toán, trong vòng 25 năm tới, châu Âu cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ euro để xây dựng các nhà máy điện mới, phát triển năng lượng sạch, hệ thống phân phối điện, các hệ ống dẫn để đảm bảo tốt an ninh cung cấp năng lượng. Trong điều kiện hiện nay, rõ ràng là các khoản đầu tư này sẽ không hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế như trước đây, đặc biệt là để phát triển các loại năng lượng sạch. Với việc giảm giá của nhiên liệu truyền thống, năng lượng tái sinh đã mất đi lợi thế cạnh tranh trong chiến lược năng lượng của các quốc gia. Ngay đối với các loại năng lượng truyền thống, các khoản đầu tư cũng được điều chỉnh hướng vào các khâu hỗ trợ như vận chuyển, phân phối chứ không nhằm vào khai thác, phát triển công nghệ mới.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, nhiều khả năng EU sẽ phải xem xét lại mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và mất đi vị trí "tiên phong" trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch.

(Vinanet)

ĐỌC THÊM