Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành dầu khí nỗ lực kích cầu

Tại buổi làm việc với các tập đoàn và tổng công ty nhà nước mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến vai trị quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đóng vai trò là một ngành kinh tế chủ lực của đất nước với mức đóng góp chiếm tới 26% ngân sách, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển để đưa tập đoàn vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng theo tinh thần chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

Kích cầu đầu tư và tiêu dùng

Xếp phân đạm Phú Mỹ vào kho
Giải pháp ấn tượng nhất mà PVN đưa ra trong chương trình hành động lần này là kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Theo đó, PVN tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu dầu thô. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các nhà thầu dầu khí nước ngoài thực hiện chương trình công tác và giải ngân theo các hợp đồng đã ký; kêu gọi các công ty dầu khí lớn trên thế giới tiếp tục đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng 30 - 40 triệu tấn trong năm 2009.
 
Thường xuyên làm việc với nhà thầu dầu khí để rà soát và có giải pháp kịp thời bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu, khí; giám sát và hỗ trợ các nhà thầu bảo đảm tiến độ phát triển các mỏ. Đặc biệt, PVN sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm như Nhà máy lọc dầu Dung Quất; chuẩn bị cơ sở hạ tầng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đạm Cà Mau và đẩy nhanh việc triển khai các dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Xơ sợi Đình Vũ... sớm đưa vào hoạt động, có sản phẩm đầu ra phục vụ nền kinh tế, đón đầu khi thị trường thế giới phục hồi.
 
Tổ chức rà soát các dự án đình, giãn tiến độ trong năm 2008 để đánh giá phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên, tận dụng cơ hội thị trường để thúc đẩy đầu tư. Triển khai tích cực các dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, đồng thời kiên quyết dừng, giãn các dự án không đủ thủ tục, không có phương án thu xếp vốn khả thi có hiệu quả. Triển khai thận trọng việc ký kết các hợp đồng tìm kiếm, thăm dò dầu khí mới ở nước ngoài, ưu tiên khai thác các cơ hội mua lại các tài sản dầu khí ở nước ngoài.
 
Dành nguồn lực tài chính, tạo nguồn vốn ổn định với lãi suất hợp lý cho các dự án, theo thứ tự ưu tiên thông qua Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí. Triển khai phương án tiêu thụ phân đạm với giá bán hợp lý, trong đó có phương án bán chịu phân đạm cho nông dân để kích cầu tiêu dùng, tổ chức tiêu thụ tốt xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo giá cạnh tranh.

Đảm bảo an sinh xã hội
 
Một giải pháp khác cũng không kém phần quan trọng nữa là, PVN sẽ thực hiện cơ chế tài chính, quản lý vốn hiệu quả và linh hoạt. Tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi trong tập đoàn và từng đơn vị thành viên, nhằm huy động cao nhất sức mạnh tài chính của tập đoàn. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án của tập đoàn, điều chỉnh vốn điều lệ tại các đơn vị, chuyển nhượng một phần vốn của tập đoàn ở các đơn vị thành viên cho đối tác nước ngoài và trong nước với tư cách là cổ đông chiến lược.
 

“Xét trên một góc độ nào đó, trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp có tiềm lực lớn như PVN lại có cơ hội để cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh một cách hợp lý. Tình hình mới đòi hỏi DN phải tổ chức sắp xếp lại để thích ứng kịp thời, đón đầu cho thời kỳ phục hồi kinh tế, tạo đà cho sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Mặt khác, khi kinh tế thế giới suy thoái, giá cả nguyên, vật liệu, thiết bị, nhân công giảm cũng là điều kiện thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng với chi phí đầu vào thấp, sớm đưa các công trình vào hoạt động, phục vụ nền kinh tế đạt hiệu quả đầu tư cao hơn”.

(Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN)

Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, tận dụng tối đa các nguồn tín dụng của các tổ chức tài chính trong, ngoài nước, bảo đảm cân đối đủ vốn cho nhu cầu đầu tư của tập đoàn và các đơn vị thành viên. Song song với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh là giải pháp thực hiện sâu rộng chính sách an sinh xã hội. Không để CBCNV, lao động trong tập đoàn bị mất việc làm.
 
Rà soát cam kết của tập đoàn với các địa phương, thực hiện tích cực các phương án có hiệu quả, tiếp tục thực hiện các cam kết hỗ trợ phát triển, xóa đói, giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn. Công đoàn dầu khí vận động cán bộ, công nhân viên trong tập đoàn và các nhà thầu dầu khí hưởng ứng, tham gia công tác xã hội - từ thiện - nhân đạo ở các địa phương khó khăn, giúp đỡ đồng bào nghèo, đồng bào ở các vùng thiên tai thực hiện xây dựng trường học, bệnh viện... Tổ chức chỉ đạo điều hành năng động quyết liệt để các chương trình hành động của tập đoàn trở thành phong trào thi đua lao động sản xuất góp phần cùng cả nước chống suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng… 
 
(Sài gòn giải phóng)

ĐỌC THÊM