Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành dầu khí mở rộng thị trường trong nước

Bên cạnh những mảng, lĩnh vực có thế mạnh như tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; sản xuất điện, đạm,… ngành dầu khí đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xăng dầu, sản phẩm xơ sợi,… theo hướng ưu tiên phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng. 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang sản xuất 6,5 triệu tấn dầu/năm.


Nâng cao chất lượng, cạnh tranh về giá

Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đang tích cực tìm kiếm các giải pháp để đưa Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ đi vào hoạt động trở lại. Ðến nay, Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ đã nâng công suất lên 12 dây chuyền sợi DTY (sợi xơ dài), sản xuất được gần 3.000 tấn và xuất bán hơn 2.500 tấn sản phẩm sợi DTY cho khách hàng. Ðánh giá về nhu cầu xơ sợi trên thị trường thời gian tới, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex - đơn vị quản lý Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ) Ðào Văn Ngọc cho biết, nhu cầu xơ sợi trong nước cần 400 nghìn tấn/năm, trong khi cả PVTex và Formosa vận hành hết công suất chỉ đáp ứng được 255 nghìn tấn; nhu cầu sợi DTY 170 nghìn tấn/năm nhưng lượng cung trong nước chỉ đạt 90 nghìn tấn. Do đó, đây là dịp để PVTex vận hành lại toàn bộ nhà máy đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, hiện PVTex đã ký 60 hợp đồng với 20 khách hàng.

Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD (năm 2018 đạt hơn 36,1 tỷ USD) nhưng hiện giá trị mang lại cho ngành thấp, chưa đạt kỳ vọng do phải phụ thuộc hơn 80% nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Chính vì vậy, việc Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ hoạt động ổn định trở lại sẽ góp phần đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu cho ngành, hạn chế nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, PVTex phải bảo đảm được về chất lượng và giá cả xơ sợi. Theo đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nếu chất lượng xơ sợi sản xuất trong nước bảo đảm, ổn định, tuân thủ giá thị trường, thực hiện đúng cam kết về thanh toán, giao hàng như thời điểm cuối năm 2014 và 2015 (lúc Xơ sợi Ðình Vũ còn hoạt động), Vinatex cam kết sẽ tăng dần tiêu thụ xơ pô-li-e-xte của PVTex trong toàn bộ hệ thống các đơn vị kéo sợi của Vinatex lên 100%, thay vì tối thiểu 50% như đã cam kết và thực hiện trước đây. Bởi nhu cầu về xơ của các doanh nghiệp Việt Nam luôn tăng trưởng khoảng từ 10 đến 15%/năm. Với nhu cầu nhập khẩu hiện nay khoảng 700 nghìn tấn bông thì nhu cầu về xơ pô-li-e-xte sẽ vào khoảng
400 nghìn tấn/năm.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc PVTex Ðào Văn Ngọc khẳng định, sau khi khởi động lại sản xuất, PVTex phấn đấu trong quý II tới sẽ nâng công suất lên 25 dây chuyền sản xuất sợi DTY và trong quý IV-2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy. Trước đây, PVTex được ví như "bệnh nhân đã chết lâm sàng" nhưng hiện nay đã đứng dậy và có bước đi vững chắc đầu tiên. Mặc dù PVTex vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, đặc biệt là vấn đề tài chính, chất lượng lao động, áp lực cạnh tranh từ thị trường,… nhưng với sự quyết tâm của mình, PVTex sẽ triển khai các giải pháp như nâng cao công tác quản trị, đào tạo, chất lượng người lao động; tiết giảm các chi phí nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng niềm tin của các đối tác, khách hàng.

Ðáp ứng nhu cầu thị trường

Việc đưa Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn có công suất 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) đi vào vận hành thương mại thời gian qua đã thể hiện sự nỗ lực của PVN và các bên liên doanh trong việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, giúp các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu có thể chủ động được nguồn cung, tránh phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới. Tính từ ngày 1 đến hết 31-10-2018, tổng sản lượng của NMLD Nghi Sơn xuất bán ra thị trường vào khoảng 2.586.254 thùng sản phẩm (ước tính 336 nghìn tấn) các loại. Ðến nay NMLD Nghi Sơn đã cho ra 12 dòng sản phẩm như xăng Ron 92, Ron 95, nhiên liệu phản lực, dầu đi-ê-den, dầu hỏa, ben-den, hạt nhựa PP,… đều đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất bán cho các đối tác thương mại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ðánh giá về hiệu quả của nhà máy này mang lại, đại diện Ban kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động đã đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2018. Khi nhà máy vận hành đủ công suất thiết kế, sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực, sức lan tỏa trong thu hút đầu tư - công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu và tiếp tục đóng góp nguồn thu chủ yếu cho ngân sách địa phương trong những năm tới. Bên cạnh việc vận hành, sản xuất an toàn NMLD Dung Quất, hiện PVN và đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý NMLD Dung Quất) cũng đang tiến hành nâng cấp, mở rộng công suất NMLD Dung Quất lên 8,5 triệu tấn dầu/năm (tương đương 192 nghìn thùng/ngày) về cơ bản sẽ đáp ứng khoảng từ 35% đến 40% nhu cầu nội địa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam trong những năm tới tiếp tục có sự tăng trưởng ở mức 7 đến 10%, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ mỗi năm vào khoảng từ 16 đến 17 triệu tấn (chưa kể xăng dầu nhập lậu). Nếu NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định, cùng với công suất của NMLD Dung Quất hiện tại là 6,5 triệu tấn, sẽ đáp ứng được từ 65 đến 70% nhu cầu xăng dầu nội địa, giúp các DN chủ động hơn về nguồn cung, tránh phụ thuộc quá nhiều vào giá xăng dầu thế giới.

Trước thực trạng thị trường xăng dầu Việt Nam hiện đang có 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối song chưa thật sự cạnh tranh, cả nước chỉ có một loại giá. Trong đó, các DN cạnh tranh nhau bằng cách giảm chi phí khiến cuộc cạnh tranh thị phần không lành mạnh, yếu tố rủi ro trong kinh doanh ngày càng cao,... Ðại diện PVN khẳng định, trước đây nước ta nhập khẩu xăng dầu chủ yếu, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ do mùa vụ, thời tiết, diễn biến giá,… ảnh hưởng đến cán cân cung cầu. Khi nguồn cung trong nước sẵn có, xăng dầu nhập khẩu không còn là yếu tố chi phối thị trường nội địa, các DN sẽ có sự chủ động hơn. Mặt khác, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang thực hiện nhập khẩu theo cô-ta tối thiểu. Chính vì thế, sản phẩm sản xuất từ NMLD Nghi Sơn cũng như Dung Quất luôn phải cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nhập khẩu nếu muốn tiêu thụ được, giá bán được quyết định hoàn toàn trên cơ sở thị trường. Ngoài ra, PVN cũng nỗ lực hướng sản phẩm tiêu thụ hoàn toàn ở thị trường nội địa để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm các chi phí xã hội.

Nguồn tin: nhandan.com.vn

ĐỌC THÊM