Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela đang suy yếu cùng cực

 

Tuần trước thật tàn khốc đối với Venezuela, người dân và ngành công nghiệp dầu nước này gần như sụp đổ. Sản lượng khai thác dầu kể từ đầu năm 2020 đã giảm thảm hại xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế cực kỳ mong manh tiếp tục suy thoái và cơ sở hạ tầng yếu kém liên tục. Washington đang lật tẩy chế độ của Maduro, áp đặt các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm khắc hơn nhằm mục đích cô lập Caracas khỏi các thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu quan trọng về mặt kinh tế. Việc gần như sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela là do tồn kho dầu thô tăng lên một cách dã man. Theo Bloomberg, trong ba tuần kể từ đầu tháng 10, dự trữ dầu của quốc gia Mỹ Latinh này đã tăng 84% lên 10,6 triệu thùng tại cảng Jose. Hãng tin Reuters cho biết trong một bài báo rằng lượng tồn kho đó đã lên tới 11,4 triệu thùng. Sự gia tăng mạnh mẽ này nhấn mạnh tác động đáng kể của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với khả năng tiếp cận thị trường năng lượng quốc tế của Caracas và bán lượng dầu ít ỏi mà PDVSA đang sản xuất. Người ta suy đoán rằng nếu tồn kho dầu trong nước tiếp tục tăng với tốc độ nhanh như vậy, PDVSA sẽ cần ngừng sản xuất vì kho chứa hạn chế. Điều đó về cơ bản sẽ chấm dứt nguồn doanh thu rất cần thiết duy nhất của Caracas. Sản lượng dầu có khả năng giảm hơn nữa ngay cả khi PDVSA không đóng cửa do thiếu chỗ chứa. Trong tháng 9 năm 2020, Venezuela chỉ bơm trung bình 383.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tức là ít hơn 72% so với mức trung bình hàng ngày của năm 2018. Điều này đang tác động mạnh đến nền kinh tế Venezuela và là nguyên nhân cho sự sụp đổ kinh tế bắt đầu vào cuối năm 2014 khi giá dầu lao dốc. IMF dự kiến ​​nền kinh tế Venezuela sẽ thu hẹp thảm hại 25% trong năm 2020, sau khi giảm 35% đáng kinh ngạc vào năm 2019. Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ Latinh có thể còn tồi tệ hơn dự kiến ​​do tác động của đại dịch COVID-19 lên Venezuela. Việc thiếu thông tin từ chế độ chuyên quyền của Maduro khiến việc đánh giá tác động thực sự của đại dịch trở nên vô cùng khó khăn. Đáng lo ngại hơn là các cơ sở hạ tầng và nhà máy lọc dầu quan trọng của PDVSA tiếp tục xuống cấp. Các sự kiện gần đây nhấn mạnh tình trạng hư hỏng của cơ sở hạ tầng quan trọng này. Venezuela có thể đang trên bờ vực của vụ tràn dầu lớn nhất với kho chứa nổi và tàu hạ tải Nabarima, ở Vịnh Paria, nghiêng 45 độ và đã chìm 14,5 mét. Nếu con tàu này đổ hết dầu thô ra, nó có thể gây ra thảm họa môi trường lớn hơn nhiều so với vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ở Alaska. Đó không phải là điều tồi tệ nhất đối với PDVSA. Sự hư hỏng đáng kể của cơ sở hạ tầng lọc dầu đã gây ra tình trạng thiếu hụt xăng lớn ở Venezuela, quốc gia từng hoàn toàn tự cung tự cấp năng lượng. Sự hỗ trợ từ quốc gia đồng minh Iran, nước đã vận chuyển 5 tàu chở xăng đến Venezuela vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã giúp giảm bớt một phần nhỏ khủng hoảng xăng. Trên thực tế, nó đã gây ra hậu quả đáng kể cho Caracas bằng cách kích hoạt các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Venezuela và Iran. Các biện pháp trừng phạt bổ sung đó sẽ tác động thêm đến khả năng tiếp cận thị trường năng lượng và xuất khẩu dầu thô quan trọng của Caracas.

Theo Argus Media, một đòn giáng chí mạng đối với PDVSA và nền kinh tế Venezuela là đã xảy ra một vụ nổ lớn tại nhà máy lọc dầu Amuay với công suất 635.000 thùng/ngày, vụ nổ đã làm phá hủy một cơ sở chưng cất công suất 100.000 thùng/ngày. Trong khi Maduro tuyên bố vụ nổ là do một cuộc tấn công khủng bố vào cơ sở, thì các nguồn tin được Argus Media dẫn lời lại chỉ ra một vụ rò rỉ nước có thể dẫn đến một vụ nổ hơi. Các nguồn tin khác đổ lỗi cho vụ nổ là do PDVSA đốt cháy giai đoạn để sản xuất xăng, nếu đúng như vậy và cùng với tình trạng xuống cấp của các nhà máy lọc dầu thuộc công ty dầu quốc gia sẽ lý giải cho thảm họa này. Theo các nguồn tin của Argus Media, toàn bộ cơ sở có lẽ cần được xây dựng lại, khiến nguồn cung xăng giảm trong một thời gian dài, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện tại ở Venezuela.

Sản xuất giảm sút, thu nhập xuất khẩu giảm, nền kinh tế trong nước thu hẹp và không thể tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế có nghĩa là PDVSA không thể huy động vốn cần thiết để thực hiện bảo trì khẩn cấp các nhà máy lọc dầu của mình. Kết quả là, một sự kiện thảm khốc như vậy có thể xảy ra một lần nữa trong tương lai gần. Những diễn biến đó chỉ cho thấy viễn cảnh ngày càng xấu đi đối với PDVSA cũng như nền kinh tế và hoạt động sản xuất dầu của Venezuela. Điều này đang trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ ngăn không cho các công ty năng lượng nước ngoài hoạt động tại quốc gia Mỹ Latinh này. Tập đoàn năng lượng lớn nhất còn lại của Mỹ là Chevron, đã ở Venezuela trong khoảng 100 năm, đã được Washington ra lệnh ngừng hoạt động ở Venezuela vào ngày 1 tháng 12 năm 2020. Giám đốc điều hành của hãng đã tuyên bố Chevron không có ý định rời khỏi nước này và những bình luận gần đây từ công ty cho thấy họ tự tin rằng Bộ Tài Chính Mỹ sẽ gia hạn giấy phép hoạt động của họ tại Venezuela.

Mặc dù vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ, tình trạng thiếu vốn và lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng năng lượng đổ nát và hoạt động khoan sụt giảm khiến chế độ của Maduro khó có khả năng hồi sinh ngành dầu mỏ quan trọng về mặt kinh tế. Sẽ cần đến sự thay đổi chế độ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với bất kỳ sự cải thiện nào trong ngành dầu mỏ của Venezuela cũng như nền kinh tế. Vào thời điểm này, bất chấp cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng do chế độ của Maduro tạo ra, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính phủ có vẻ còn rất ra vời. Có những dấu hiệu cho thấy dù Washington có tăng áp lực lên Caracas đến mức nào, Maduro cũng sẽ không sớm từ bỏ quyền lực. Ngay cả các lệnh trừng phạt quốc tế, sự sụp đổ kinh tế, cuộc nổi dậy mở ra bởi các lực lượng vũ trang và sự công nhận của quốc tế đối với Juan Guaidó là tổng thống hợp pháp cũng chẳng làm được gì để làm suy yếu Maduro và những người ủng hộ ông nắm quyền. Vì những lý do này, có rất nhiều khả năng sản lượng dầu của Venezuela có thể giảm xuống 0 và tình trạng thiếu các mặt hàng cơ bản, chẳng hạn như xăng, sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần. Điều đó cũng có nghĩa là bất kỳ sự phục hồi nào đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế còn lâu mới xảy ra.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM