Những công ty nhỏ hơn đang háo hức bắt đầu đàm phán với Venezuela về các cơ hội khai thác dầu thô trước khi các ông lớn bắt đầu tham dự. Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Venezuela dưới thời Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể cho phép Venezuela một lần nữa trở thành trung tâm dầu mỏ của Mỹ Latinh.
Tổng thống Maduro gần đây đã tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia, "Tôi muốn nói với các nhà đầu tư từ Mỹ và trên toàn thế giới rằng cánh cửa của Venezuela đang mở cho đầu tư dầu mỏ".
Kể từ năm 2019, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực dầu mỏ của nước này, vốn trước đây đã thúc đẩy nền kinh tế của nước này nhờ nguồn cung dầu thô trị giá 300 tỷ thùng. Tuy năng lực sản xuất của nước này vẫn còn mạnh mẽ, nhưng lĩnh vực này sẽ đòi hỏi đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào việc thăm dò và khai thác nếu muốn phát huy hết tiềm năng của mình.
Tổng thống Maduro dự kiến sẽ thông qua luật chấm dứt sự độc quyền của Petroleos de Venezuela SA (PDVSA) thuộc sở hữu nhà nước đối với ngành công nghiệp dầu mỏ nước này. Luật này sẽ có tác động đáng kể đến đầu tư nước ngoài, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ cấm hoạt động trực tiếp với PDVSA và chế độ của Maduro, chứ không phải các công ty khác.
Các công ty độc lập ở Venezuela có thể thắng lớn theo thỏa thuận này, khi các công ty dầu mỏ quốc tế tìm kiếm các công ty không thuộc PDVSA và các tổ chức liên kết để xây dựng mối quan hệ đối tác, nhằm khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của nước này.
Trong khi các công ty lớn về dầu mỏ có thể sẽ đợi cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn, thì các công ty quốc tế nhỏ hơn đang tham gia vào các cuộc đàm phán để đảm bảo rằng họ giành được phần trước khi mọi người đều đổ xô vào.
Venezuela tiếp tục cung cấp một lượng lớn dầu thô cho Trung Quốc, quốc gia đã phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với cả Venezuela và Iran.
Trung Quốc gần đây đã tăng cường nhập khẩu dầu từ Venezuela. Trong khi đó, Iran và Venezuela đang hợp tác cùng nhau để tăng cường quan hệ đối tác thương mại này, với việc Iran cung cấp các sản phẩm dầu mỏ để đổi lấy dầu và vàng của Venezuela.
Venezuela đã và đang bơm khoảng 500.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày vào tháng 3 năm nay, giảm so với 650.000 thùng/ngày của năm ngoái nhưng tăng từ mức trung bình 360.000-390.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020.
Trong khi chính phủ các nước trên khắp thế giới đang thúc đẩy chính sách xanh hơn và thỏa thuận của OPEC đang hạn chế sản lượng dầu của các quốc gia thành viên, thì Venezuela không có nơi nào khác để chuyển hướng ngoài ngành công nghiệp dầu mỏ của mình. "Venezuela cần phải khởi động nền kinh tế, và nó sẽ không đến từ du lịch hay bất kỳ lĩnh vực nào khác ngoại trừ lĩnh vực dầu mỏ. Đó là thực tế.", Cựu giám đốc điều hành Chevron, Ali Moshiri lý giải.
Một số công ty dầu lớn, chẳng hạn như Chevron, vẫn ở lại Venezuela với hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ giảm bớt, một quyết định báo hiệu tốt cho tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ nước này trong thời điểm khó khăn này. Chevron hiện có một liên doanh với PetroPiar của Venezuela.
Ông Moshiri dự đoán rằng nền kinh tế Venezuela sẽ bắt đầu phục hồi với việc sản xuất 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày thông qua khoản đầu tư từ 5 tỷ đến 8 tỷ USD. Ông tin rằng khoản đầu tư từ 25 tỷ đến 28 tỷ USD vào năm 2028 sẽ dẫn đến sản lượng khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các dự đoán thận trọng hơn cho thấy nước này sẽ cần khoản đầu tư khoảng 100 tỷ USD để thực hiện mục tiêu sản xuất này.
Trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela sẽ yêu cầu khoản đầu tư nước ngoài đáng kể nếu nó muốn quay trở lại mức như trước khi bị cấm vận, thì các cuộc đàm phán gần đây giữa các công ty dầu mỏ quốc tế và ngành công nghiệp quốc gia của Venezuela, cũng như lời hứa từ Maduro về việc tư nhân hóa nhiều hơn, cho thấy cuối cùng mọi thứ cũng đang trở nên tươi sáng hơn với quốc gia gặp khủng hoảng này.
Nguồn tin: xangdau.net