Hiện nay, Chính phủ định hướng điều tiết ngành xăng dầu theo quy luật của thị trường, từ đối tượng kinh doanh đến cơ chế giá, nên triển vọng phát triển của ngành ngày càng lớn. Tuy nhiên, để ngành xăng dầu mở rộng, phát triển, thì ngành ngân hàng cũng cần mở đường trợ sức cho các doanh nghiệp.
Ông Đậu Trí Dũng - Giám đốc phụ trách Phát triển sản phẩm của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến vấn đề "Vai trò của hoạt động ngân hàng đối với sự phát triển của doanh nghiệp xăng dầu hiện nay".
- Hiện nay, ngành kinh doanh xăng dầu phát triển khá mạnh không chỉ bó hẹp trong các doanh nghiệp Nhà nước, mà còn phát triển sang các doanh nghiệp khác. Vậy xin ông cho biết những tác động của sự thay đổi trên đối với lĩnh vực ngân hàng?
- Trước đây, đối tượng được phép đầu mối xuất nhập khẩi xăng dầu, theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/2007, chỉ gói gọn ở các doanh nghiệp Nhà nước và giá bán xăng dầu trong nước do Nhà nước điều tiết, quy định. Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam đã có những sự thay đổi căn bản và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Đối tượng được phép đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu đã được mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp, có đủ điều kiện về bến bãi, kho chứa…; còn giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Chính sự thay đổi nói trên đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt muốn kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, cũng như các doanh nghiệp muốn kinh doanh phân phối xăng dầu trong nước phát triển. Trong khi, đây là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi vốn lớn và sử dụng nhiều sản phẩm - dịch vụ ngân hàng cao cấp, nên sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động kinh doanh xăng dầu với hoạt động tín dụng ngân hàng đã và sẽ tạo đà cho cả hai ngành cùng phát triển.
Cũng sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định 84, theo khảo sát của BIDV, số lượng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quan hệ, giao dịch với ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng. Điều này càng khẳng định hoạt động kinh doanh ngân hàng và kinh doanh xăng dầu có quan hệ khăng khít, mật thiết với nhau, sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mở thêm cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng.
- Cụ thể, những nhu cầu cấp thiết mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mong muốn được đáp ứng là gì, thưa ông?
- Qua khảo sát, BIDV nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các dịch vụ ngân hàng rất phong phú, đa dạng, cụ thể:
Thứ nhất, nhu cầu cung cấp thông tin thị trường, đối tác để tìm kiếm mở rộng nguồn hàng: hiện tại, các công ty Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu qua các trung gian thương mại tại các thị trường lớn ở châu Á (đa phần là Singapore), mà chưa nhập khẩu trực tiếp từ các công ty khai thác, chế biến sản phẩm dầu mỏ, hoặc trung gian thương mại tại các thị trường hay khu vực vốn có thế mạnh về dầu mỏ trên thế giới như: Nga, Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu… với các mức giá cạnh tranh hơn. Đây cũng chính là các thị trương mà BIDV đã có quan hệ đối tác, ngân hàng đại lý, hoàn toàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác.
Thứ hai, nhu cầu về vốn và ngoại tệ thanh toán: theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu 30 ngày cung ứng, nên nhu cầu vốn phục vụ nhập khẩu rất lớn. Đặc biệt, nhu cầu cân đối ngoại tệ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu và chính yếu. Nhu cầu về vốn rất đa dạng, từ việc cho vay mở L/C nhập khẩu xăng dầu, cho vay mở L/C tạm nhập tái xuất, đến việc cho vay phục vụ dự trữ kinh doanh dịch vụ, thương mại, sản xuất và phân phối xăng dầu trong nước, cấp hạn mức bảo lãnh thanh toán…
Thứ ba, nhu cầu quản lý dòng tiền: với đặc điểm hàng hóa được phân phối thông qua hệ thống đại lý dày đặc, chia thành nhiều cấp, nên các công ty kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các công ty chuyên doanh phân phối xăng dầu có nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ về quản lý dòng tiền như: thu hộ mạng lưới tại chỗ, thu hộ mạng lưới tại quầy giao dịch, điều chuyển vốn tự động giữa các đơn vị kinh doanh…
- BIDV là một trong những ngân hàng đã hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Xin ông cho biết cụ thể những điểm ưu việt mà BIDV đã thực hiện để góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh xăng dầu?
- Nhằm thỏa mãn cao và kịp thời về nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo phương châm "nhanh - gọn - đơn giản - thuận tiện", BIDV đã thiết kế gói sản phẩm đặc thù dành cho nhóm khách hàng này. Gói sản phẩm "Tài trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu" ra đời đáp ứng yêu cầu cung cấp trọn gói - khép kín các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, gắn với chuỗi hành trình sản xuất, kinh doanh của khách hàng như: tài trợ vốn lưu động, bảo lãnh, tài trợ thương mại, thanh toán trong nước, quản lý dòng tiền, tiền gửi, mua - bán ngoại tệ, bảo hiểm và các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa...
Ngoài ra, gói sản phẩm này còn đi kèm các chính sách hỗ trợ hợp lý, cạnh tranh (lãi suất tiền gửi hay cho vay, tỷ lệ tài trợ tối đa đến 100% giá trị tài sản đảm bảo, nhận đảm bảo bằng chính lô hàng nhập, tài trợ doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi/kênh phân phối của khách hàng…), nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, kinh doanh, phát triển ổn định và bền vững.
Nguồn tin: BIDV