Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nga xuất khẩu dầu kỷ lục sang Mỹ: Ông Trump giúp đỡ?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đòn trừng phạt chính quyền Tổng thống Trump nhắm vào Venezuela, Iran đã gián tiếp giúp Nga tăng xuất khẩu dầu. 

Sự giúp đỡ gián tiếp

Hãng tin RT ngày 6/2 dẫn số liệu của Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho hay, xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng mạnh trong năm 2019 trong bối cảnh chính quyền Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Điều bất ngờ là, theo số liệu Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), xuất khẩu dầu của Nga sang Mỹ tăng tới 300% trong năm 2019, gấp 3 lần năm 2018.

Không ngạc nhiên trước thông tin này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng chính lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Venezuela và Iran, hai quốc gia có lượng dầu xuất khẩu lớn trên thế giới, đã gián tiếp giúp Nga tăng mạnh lượng dầu xuất khẩu.

Đáng lưu ý, các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với hai quốc gia nói trên chỉ có thể ngăn chặn dòng chảy dầu trực tiếp từ Venezuela sang Mỹ chứ không thể ngăn chặn nổi dầu của Venezuela và Iran chảy sang các quốc gia khác, mà điển hình là Nga và Trung Quốc, rồi từ đó chảy sang Mỹ.

"Như Venezuela, họ chỉ mất thêm chi phí chứ đòn cấm vận của Mỹ không gây khó khăn nhiều cho Venezuela, đừng nói là Nga", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng, ngay các chính trị gia Mỹ cũng phải chịu sức ép của giới tài phiệt trong ngành dầu mỏ của nước này khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với Venezuela khiến các doanh nghiệp sản xuất dầu ở Mỹ khan hiếm nguồn cung.


Mỹ đã gián tiếp giúp Nga tăng mạnh xuất khẩu dầu. Ảnh: Sputnik

Mỹ dù có sản lượng dầu với hàm lượng lưu huỳnh thấp rất dồi dào nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô. Một số nhà máy lọc dầu của Mỹ, đặc biệt là ở Bờ Đông và Vịnh Mexico, thường tập trung vào tinh chế dầu thô nặng, chủ yếu từ Venezuela.

Khi lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực ( từ cuối tháng 4/2019), hoạt động giao hàng từ Venezuela sang Mỹ chấm dứt, dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu tại thị trường Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ khó có thể tăng nhập khẩu dầu từ các nước đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh khi Saudi Arabia đã phải giảm sản lượng dầu của mình vượt quá mức cam kết theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Mỹ cũng không phải là điểm đến chính của dầu thô Saudi Arabia. Chưa kể các nước vùng Vịnh không dại gì xuất khẩu sang Mỹ để gia tăng dầu thô dự trữ của Mỹ, điều sẽ cho phép Mỹ sử dụng để giảm giá dầu.

Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ chỉ còn lại lựa chọn là dầu Urals của Nga.

"Nếu các doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu thì máy móc, thiết bị bị bỏ không, công nhân thất nghiệp..., thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ là rất lớn bởi đó là ngành chiếm vị trí quan trọng thứ hai, chỉ sau ngành sản xuất vũ khí.

Do đó, dù Nga đang phải chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn của chính quyền Trump thì các nhà chính trị vẫn phải nhượng bộ phần nào để các doanh nghiệp sản xuất dầu của nước này nhập khẩu dầu từ Nga", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Nga lợi dụng đòn trừng phạt để phát triển kinh tế độc lập, tự chủ

Diễn biến trên thị trường dầu, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đã phần nào cho thấy đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ không còn tác động lớn đến nền kinh tế Nga cũng như các nước khác bị Mỹ cấm vận.

Theo vị chuyên gia, các lệnh trừng phạt của Mỹ ban đầu khiến Nga khó khăn nhưng sau một khoảng thời gian, kinh tế Nga đã thích ứng được với sự cấm vận đó, thậm chí còn lợi dụng sự cấm vận để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của mình.

Từ chỗ là một nền sản xuất què quặt, phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của châu Âu, đặc biệt là về nông nghiệp, đến nay Nga đã tự chủ được, thậm chí xuất khẩu đi các nước.

Đối với dầu mỏ cũng vậy. Nga và thế giới hiện có mối liên hệ chặt chẽ, nếu chính phủ Mỹ không cho các doanh nghiệp sản xuất dầu của nước này nhập khẩu thì hệ quả với ngành dầu mỏ Mỹ nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung là rất nặng nề.

Nhìn lại quá trình nước Nga mạnh mẽ trở lại từ sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá đó là "sự trở lại vĩ đại", trong đó công lớn thuộc về sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin.

"Để vực dậy một quốc gia vừa phân rã là điều vô cùng khó khăn. Nhưng sự xuất hiện của ông Putin và sự kiên quyết của ông đã làm cho nước Nga trở lại mạnh mẽ hơn, có được sự ổn định cần thiết để vực dậy trước hết là kinh tế Nga, sau đó là quân sự và vị thế chính trị của Nga. Ngay trong bối cảnh đất nước bị trừng phạt của Mỹ và phương Tây, ông Putin vẫn làm cho nước Nga gia tăng được các lợi ích.

Thế nên, dù có thể công nghiệp hoặc một vài lĩnh vực khác của Nga vẫn còn có sự trì trệ, đời sống người dân chậm cải thiện so với quốc gia khác thì những thành quả nước Nga có được trong cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 vẫn là vĩ đại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Đối với Tổng thống Donald Trump, vị chuyên gia nhắc lại khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà ông Trump đã tuyên bố từ khi tranh cử tổng thống Mỹ và cho rằng, xét ở khía cạnh kinh tế, trong những năm cầm quyền của ông Trump, kinh tế Mỹ có vẻ ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với các năm trước.

Những dự đoán về việc nền kinh tế Mỹ có thể sa sút và rơi vào khủng hoảng vào cuối năm 2019 và năm 2020 đã không xảy ra.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì còn lâu nước Mỹ mới "vĩ đại trở lại" như lời ông Trump đã hứa.

"Nhiều việc làm của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không được lòng cộng đồng quốc tế; sự rút lui của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế đã làm cho vị thế, vai trò của chính phủ Mỹ sụt giảm so với trước đây.

Chưa kể, do thời đại đã thay đổi, tính độc lập, tự chủ của các quốc gia cũng lớn hơn, sự lớn mạnh về kinh tế của các quốc gia cũng làm thay đổi quan hệ của các với Mỹ. Họ không còn nhất nhất nghe theo lời Mỹ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM