Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nga vẫn khăng khăng khẳng định không vũ khí hóa việc xuất khẩu khí đốt

 

Với cách nói thẳng thừng đặc trưng, ​​Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói điều này khi được hỏi vào tháng trước rằng liệu Nga có đang sử dụng các nguồn năng lượng của mình như một vũ khí chính trị hay không:

“Đây là điều hoàn toàn vô nghĩa, cực đoan và có động cơ chính trị”, ông phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow vào ngày 13 tháng 10.

Hai tuần sau, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu đã thẳng thừng một cách bất thường khi ông mô tả mối đe dọa việc cắt nguồn cung khí đốt của Nga tới Moldova, một quyết định khiến thành viên EU đang trong tình cảnh mong mỏi khí đốt và thiếu tiền mặt này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp: “vũ khí hóa nguồn cung khí đốt”.

Với giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao kỷ lục, mùa đông giá rét của châu Âu chỉ mới bắt đầu, làm dấy lên sự hoài nghi về các chính sách năng lượng của khối và sự nghi ngờ về ý định của nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho lục địa này.

Những nghi ngờ đó đã được khơi mào bởi chính các quan chức Nga, và họ càng thêm hoài nghi về những ý định cụ thể của Gazprom, công ty độc quyền xuất khẩu của nhà nước tuân theo chính sách của Điện Kremlin.

27 thành viên EU nhập hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Là một công ty niêm yết trị giá 120 tỷ USD mà chính phủ Nga nắm cổ phần kiểm soát, nhìn bề ngoài Gazprom đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thông qua xuất khẩu. Tuy nhiên, với giá tăng cao hơn ít nhất là kể từ mùa hè, công ty đã chọn cách không đáp ứng nhu cầu gia tăng từ người tiêu dùng châu Âu, điều mà một số nhà lập pháp châu Âu cáo buộc là thao túng thị trường.

Đối với Gazprom, xuất khẩu nhiều hơn đồng nghĩa với nhiều đường ống hơn - ví dụ, Power of Siberia, đi xuyên qua nam Siberia vào Trung Quốc; hoặc TurkStream, nằm dưới Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu.

Nó cũng có nghĩa là một đường ống bổ sung trực tiếp vào trung tâm của châu Âu: Nord Stream 2, được đặt dưới Biển Đen.

Đường ống gần như hoàn chỉnh này đang chờ sự phê duyệt cuối cùng từ các cơ quan quản lý của Đức, những người cho biết quá trình này có thể hoàn tất vào năm mới.

Các quan chức Nga, bao gồm Phó Thủ tướng Aleksandr Novak và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đã liên kết giữa việc phê duyệt nhanh chóng đường ống với việc ổn định thị trường châu Âu. Những bình luận đó được một số nhà phân tích và phê bình coi là một nỗ lực trao đổi để thúc đẩy các cơ quan quản lý của Đức tiến hành nhanh hơn.

Vài ngày trước bài phát biểu của Tổng thống Putin tại Moscow, đặc phái viên của Nga tại EU cho rằng các chính sách của khối này là nguyên nhân dẫn đến sự lạnh nhạt của Nga.

Stephen Sestanovich, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô cũ, đã viết trong một bài phân tích vào tuần trước: “Một mình Moscow khó có thể chịu trách nhiệm cho giá cao và thiếu hụt cung. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn tái xác nhận sự sẵn sàng của Nga trong việc lợi dụng điểm yếu của khách hàng - như đã từng nhìn thấy trong các tranh chấp trước đây với Ukraine và Estonia”.

Giá nhảy vọt. Châu Âu khó chịu.

Chỉ năm ngày sau bài phát biểu của Putin, vào ngày 18 tháng 10, các nhà phân tích thị trường và trader đang theo dõi thời hạn giao dịch quan trọng - thời điểm các công ty đặt hợp đồng vận chuyển cho tháng sắp tới.

Các chuyên gia cho biết, với công suất hiện có của tuyến đường ống chính cho khí đốt của Nga - Ukraine - và tuyến thứ hai qua Ba Lan, sẽ dễ dàng sử dụng mạng lưới hiện có và giúp Moscow đáp ứng nhu cầu tăng đột biến và thu được lợi nhuận cao.

Điều mà một số người coi là chọc ngoáy trực tiếp vào Nga, đó là, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Moscow có thể vận chuyển khí đốt nhiều hơn ít nhất 15% so với lượng khí mà họ đã cung cấp. Nhưng Gazprom đã không làm như vậy. Giá tăng cao hơn. Và khách hàng châu Âu bực dọc nhiều hơn.

Lượng dự trữ thấp

Trong mùa hè, các nhà phân tích đã cảnh báo mùa đông của châu Âu có thể hỗn loạn, với giá điện tăng cao cùng với giá khí đốt tăng đột biến.

Trong số những lời giải thích thuyết phục cho việc Gazprom không quan tâm đến việc tăng nguồn cung là nhu cầu bổ sung cho các kho dự trữ của Nga trong những tháng thời tiết lạnh giá. Sau khi hoàn tất, Gazprom có ​​thể tăng việc vận chuyển tới châu Âu, nơi lượng khí dự trữ cũng thấp bất thường.

Tại cuộc họp ngày 28 tháng 10 với Giám đốc điều hành Gazprom Aleksei Miller, Putin đã chỉ đạo ông cung cấp cho các kho dự trữ ở Áo và Đức sau ngày 8 tháng 11 - khi kho chứa của Nga dự kiến ​​sẽ được lấp đầy.

Vào ngày hôm sau, giá giảm gần 29% tại một trung tâm giao dịch quan trọng của châu Âu, theo Independent Commodity Intelligence Services.

Hoa Kỳ tỏ ra khó chịu trước sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt của Nga, và nhất là, những mối nguy hiểm tiềm tàng của một đường ống thứ hai đặt dưới Biển Baltic.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden vào đầu năm nay đã quyết định không ngăn chặn việc xây dựng giai đoạn cuối của đường ống gần như hoàn chỉnh này, bất chấp sự phản đối của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Những phản đối đó và các cáo buộc Nga đang "vũ khí hóa" các nguồn năng lượng của mình, thậm chí ngày càng kịch liệt hơn.

Việc sử dụng năng lượng làm vũ khí “là một trong những điều mà bạn sẽ biết khi nhìn thấy nó,” Amos Hochstein, quan chức năng lượng hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói với các phóng viên vào tháng trước.

“Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần đến ranh giới đó. Nếu Nga thực sự có khí đốt để cung cấp và họ quyết định không làm như vậy và sẽ chỉ làm như vậy nếu châu Âu đồng ý với những yêu cầu khác hoàn toàn không liên quan, thì thật khó để đưa ra lập luận rằng điều đó là không xảy ra”, ông nói.

Ukraine, quốc gia thu hàng trăm triệu đô la tiền phí từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu đi qua qua mạng lưới đường ống của mình, cũng phản đối quyết định của Mỹ.

“Chúng tôi luôn biết rằng quyết định không vận chuyển khí đốt của Gazprom qua Ukraine là cốt lõi về mặt địa chính trị. Và giờ đây chúng tôi đã có nhiều bằng chứng rõ ràng”, Serhiy Makogon, người đứng đầu công ty điều hành hệ thống truyền dẫn khí của Ukraine, công ty điều hành mạng lưới đường ống của nước này, cho biết.

Đảo ngược dòng chảy

Đối với những người hoài nghi về ý định của Nga, lịch sử là kim chỉ nam. Moscow đã hai lần ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và chính phủ nghiêng về phương Tây trong những năm 2000. Việc đóng cửa, xảy ra vào tháng 01, đã lan sang châu Âu, gây ra tình trạng thiếu hụt cung và dẫn đến việc mọi người chịu cảnh lạnh cóng trong các căn hộ không có hệ thống sưởi ở một số quốc gia.

Một ngày sau cuộc gặp của Putin với Miller, một sự kiện khác đã thu hút sự chú ý của các nhà phân tích: Khí đốt chảy về phía Tây đến Đức qua các đường ống ở Ba Lan đã bị đảo ngược, thay vào đó là dòng chảy về phía Đông. Không có lời giải thích chính thức nào về sự đảo ngược trong đường ống Yamal-Châu Âu, tiếp tục kéo dài đến ngày 1 tháng 11. Gazprom đã đưa ra một tuyên bố cho biết họ vẫn đang thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.

Tom Marzec-Manser, một nhà phân tích khí đốt của Independent Commodity Intelligence Services, xem sự đảo ngược này là "bất thường" nhưng không phải là hoàn toàn chưa từng thấy.

Leslie Palti-Guzman, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Gas Vista LLC cho biết: “Gazprom đã liên tục phát đi các tín hiệu theo các hướng trái ngược để kích động thị trường khí đốt thay vì làm giảm bớt cuộc khủng hoảng.

Ngoài việc gây sức ép buộc các cơ quan quản lý của Đức phải đẩy nhanh việc cấp phép cho đường ống Nord Stream 2, Palti-Guzman cho biết, Nga có thể đang tìm cách làm phá hỏng sự hấp dẫn của việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ đến châu Âu và cũng là để ép các khách hàng châu Âu ký hợp đồng dài hạn hơn.

Bà nói, giá khí đột và điện cao hơn cũng gây ra sự bất mãn cho những người theo chủ nghĩa dân túy.

Tình trạng khẩn cấp của Moldova

Với một chính phủ mới ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU, Moldova đang vật lộn với việc chấm dứt hợp đồng dài hạn với Gazprom. Công ty đòi mức giá cao hơn đáng kể, và khi Moldova chùn bước, Gazprom đã cắt giảm 1/3 lượng khí giao tới nước này.

Điều đó đã khiến Tổng thống Moldova Maia Sandu phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Vào ngày 28 tháng 10, sau cuộc họp ở Brussels với thủ tướng Moldova, trưởng ban chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã cáo buộc Gazprom sử dụng "áp lực chính trị" để đổi lấy giá khí đốt thấp hơn.

Trong khi đó, Gazprom phủ nhận rằng chính trị đóng bất kỳ vai trò nào trong các cuộc đàm phán, và cho biết chúng được tiến hành “hoàn toàn dựa trên các điều khoản thương mại”.

Một ngày sau, chính phủ đồng ý một hợp đồng mới, có thời hạn 5 năm với mức giá cao hơn đáng kể.

Marzec-Manser, một nhà phân tích khí đốt, nói rằng trong khi Moscow rõ ràng không chấp nhận nguyện vọng EU của chính phủ Sandu, hợp đồng cũ của Moldova không phù hợp với các tiêu chuẩn của EU.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM