Nga đã vượt qua hai đối thủ nặng ký trong OPEC là Iraq và Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ vào tháng 10, với khối lượng xuất khẩu kỷ lục 946.000 thùng mỗi ngày, Thời báo Kinh tế đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn ước tính từ công ty phân tích năng lượng Vortexa.
Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Ấn Độ là một nước mua nhỏ lẻ dầu thô của Nga. Sau khi những người mua phương Tây bắt đầu xa lánh dầu thô của Nga, Ấn Độ đã trở thành điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu dầu của Nga cùng với Trung Quốc.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã không tỏ ra do dự khi giao dịch với Nga- động cơ chính đó là dầu của Nga có giá rẻ hơn nhiều so với các chuẩn quốc tế và các loại dầu tương tự đến từ Trung Đông và Châu Phi.
Theo ước tính của Vortexa, Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới - đã nhập kỷ lục 946.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga vào tháng trước, tăng 8% so với tháng 9. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 10 đã tăng 5% so với tháng 9, dữ liệu của Vortexa được Thời báo Kinh tế trích dẫn cho thấy.
Đáng chú ý là Nga đã vượt qua cả Iraq và Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô số một cho Ấn Độ. Dầu thô của Nga chiếm 22% tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng trước, trong khi thị phần của Iraq là 20,5%, và của Ả Rập Xê Út là 16%.
Trong tương lai, sẽ có rất nhiều sự không chắc chắn từ những người mua đối với xuất khẩu dầu của Nga khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12.
Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Bharat (BPCL), hai trong số các nhà nhập khẩu dầu thô Nga thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất tại Ấn Độ, đã thông báo ngừng tìm kiếm nguồn cung dầu thô giao ngay của Nga dự kiến sẽ đến sau ngày 5 tháng 12, vì họ muốn chờ sự rõ ràng hơn về chế độ trừng phạt của EU, bao gồm khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với người mua dầu thô của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Hardeep Singh Puri cho biết Ấn Độ cũng sẽ đa dạng hóa hơn nữa việc nhập khẩu dầu để chuẩn bị tốt hơn cho việc cắt giảm sản lượng trong tương lai của OPEC+, động thái này sẽ làm tăng giá dầu và thắt chặt nguồn cung.
Nguồn tin: xangdau.net