OPEC và Nga gặp nhau vào thứ Năm để cố gắng thông qua việc cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục nhưng những nỗ lực của họ để giải quyết sự sụt giảm giá cả trong đại dịch coronavirus đã trở nên phức tạp do sự thù địch lẫn nhau và sự miễn cưỡng tham gia hành động của Mỹ.
Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm tới 30% do lệnh phong tỏa đã khiến máy bay không cất cánh, giảm mức sử dụng phương tiện và hạn chế hoạt động kinh tế. Giá dầu thô đã giảm xuống dưới giá thành sản xuất của nhiều nhà sản xuất, bao gồm cả ngành công nghiệp dầu đá phiến đang bùng nổ của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết một thỏa thuận mà ông đã trung gian với nhà lãnh đạo OPEC Saudi Arabia và Nga có thể dẫn đến việc cắt giảm khoảng 10 - 15 triệu thùng mỗi ngày hoặc 10 - 15% nguồn cung toàn cầu, một mức giảm chưa từng thấy.
Riyadh và Moscow, hai quốc gia đã đổ lỗi lẫn nhau khi một hiệp ước về việc kiềm chế nguồn cung trước đây bị sụp đổ hồi tháng Ba, đã báo hiệu thỏa thuận cắt giảm sâu của họ sẽ phụ thuộc vào sự tham gia của Mỹ và những nước khác bên ngoài một nhóm được gọi là OPEC +.
Trump lãnh đạo nhà sản xuất lớn nhất thế giới nhưng chính quyền của ông không cho thấy mong muốn bắt buộc cắt giảm nguồn cung trong nước. Bộ Năng lượng Mỹ lặp lại những quan điểm này trong tuần này, nói rằng sản lượng của đất nước đã giảm mà không có hành động của chính phủ.
Saudi Arabia và Moscow vẫn chưa công khai phát tín hiệu về bất kỳ thỏa thuận cắt giảm nào hoặc cách thức cắt giảm sâu như vậy sẽ được phân phối giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các nhà sản xuất khác như thế nào.
Khi được hỏi liệu sản lượng dầu của Mỹ sụt giảm tự nhiên do giá yếu kém có thể được tính là cắt giảm hay không, phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói hôm thứ Tư: "Đây là những cắt giảm hoàn toàn khác nhau."
"Bạn đang so sánh sự suy giảm chung trong nhu cầu việc cắt giảm nhằm ổn định thị trường toàn cầu. Đây là những khái niệm khác nhau và chúng không thể tương đương nhau," ông Peskov nói.
Cuộc họp của OPEC + vào thứ Năm thông qua hội nghị video sẽ được theo sau bởi cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng từ Nhóm 20 quốc gia (G20) vào thứ Sáu.
Để tìm ra cách cắt giảm sẽ được chia sẻ giữa các nhà sản xuất, Moscow, Riyadh và những người khác sẽ cần phải đồng ý về mức sản lượng sẽ sử dụng làm đường cơ sở để tính toán cắt giảm.
Vấn đề đó đã bị che mờ đi đi bởi một cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga nổ ra sau cuộc họp OPEC+ ở Vienna vào tháng Ba.
Trong cuộc họp đó, Nga đã từ chối tham gia cắt giảm do Saudi Arabia đề xuất để đối phó với cuộc khủng hoảng coronavirus. Đáp trả, Riyadh cho biết họ sẽ bơm dầu với công suất tối đa và tràn ngập một thị trường đã bị thừa cung với lượng dầu thô tăng thêm.
Saudi tăng sản lượng lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, tăng từ dưới 10 triệu thùng/ngày trong tháng Ba. Các đồng minh vùng Vịnh của vương quốc này, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, cũng đã tăng sản lượng.
Các nguồn tin của OPEC cho biết Riyadh muốn bất kỳ sự cắt giảm nào phải được tính toán từ mức kỷ lục trong tháng Tư. Nhưng Nga đã nói rằng việc cắt giảm nên dựa trên sản lượng trung bình ba tháng đầu năm trước khi cuộc chiến giá cả bắt đầu.
"Vấn đề vẫn là mức cơ sở," một nguồn tin của OPEC cho biết.
Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết bất kỳ sự cắt giảm nào có thể kéo dài ba tháng bắt đầu từ tháng Năm.
Nguồn: xangdau.net