Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin nói rằng hiện còn quá sớm để quyết định về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ sâu hơn.
Bộ Năng lượng Nga ngày 28/10, cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh xuất khẩu dầu, còn được gọi là Nhóm OPEC+, sẽ đánh giá kỹ những tác động từ việc tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ sụt giảm trong năm nay khi tổ chức cuộc họp bàn về chính sách sản lượng vào đầu tháng 12 tới.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin.
“Tuy nhiên, còn quá sớm để nói về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn của các nước OPEC và Nga”, TASS dẫn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin.
Nhóm OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 1/2019 để hỗ trợ thị trường “vàng đen”.
Thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ ra thị trường toàn cầu của OPEC+ sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 3/2020 và các nhà sản xuất trong nhóm sẽ tổ chức cuộc họp để thảo luận về chính sách điều hành sản lượng từ ngày 5-6/12.
Thứ trưởng Sorokin cũng nhấn mạnh: “Cơ chế cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Nhóm OPEC+ đã hoạt động một cách có hiệu quả, tuy nhiên tác động của chính sách điều hành sản lượng cũng còn có những hạn chế khác”.
Trong bối cảnh OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt, dẫn đầu là Nga, thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, với sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến, chủ yếu ở bang Texas và Bắc Dakota, đã giúp Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm 2018, vượt qua cả Ả Rập Saudi và Nga.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã chậm lại trong năm nay khi các công ty năng lượng nước này giảm mạnh số lượng giàn khoan dầu theo kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho hoạt động khai thác mới.
Mỹ không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu cùng với các nước OPEC và Nga.
“Nếu bạn nhìn vào sản lượng dầu mỏ của Mỹ, bạn cũng thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất khá chậm trong 3 -4 tháng qua”- Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cho hay.
Theo số liệu mới nhất, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số giàn khoan hoạt động trong tuần qua, hướng tới sụt giảm kỷ lục trong 11 tháng, do các nhà sản xuất theo kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho hoạt động khoan mới.
Theo báo cáo của Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu đã cắt giảm 17 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 25/10/2019, đưa tổng số giàn khoan giảm xuống 696 giàn, thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Đây là tuần số giàn khoan giảm nhiều nhất kể từ tháng 4/2019.
Trong tháng 10/2019, các nhà khoan dầu đã cắt giảm 17 giàn khoan, tiếp tục cắt giảm kỷ lục trong 11 tháng liên tiếp. Trong cùng tuần một năm trước có 875 giàn hoạt động.
Các nhà phân tích tại Simmons & Co và các chuyên gia dầu mỏ của Ngân hàng đầu tư Mỹ Piper Jaffray dự báo số giàn khoan dầu và khí đốt trung bình sẽ giảm từ 1.032 giàn, cao nhất 4 năm trong năm 2018 xuống 951 giàn trong năm 2019 và 906 giàn trong năm 2020 trước khi tăng lên 957 giàn trong năm 2021./.
Nguồn tin: kỉntedothi.vn