Bị phương Tây xa lánh, Nga đang hướng về phía Đông để tìm kiếm các đối tác trong lĩnh vực dầu khí và những người sẵn sàng mua dầu thô của mình. Đối tác gần nhất ở phía đông Moscow là Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, được cho là đã tận dụng việc các công ty phương Tây rời khỏi các dự án dầu, khí đốt và kim loại ở Nga.
Hiện Nga đang đặt mục tiêu tăng cường quan hệ năng lượng chặt chẽ hơn với một nền kinh tế lớn khác là Ấn Độ.
Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới, đã bỏ phiếu trắng trong một số cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine - một dấu hiệu cho thấy chính phủ Ấn Độ đang giữ mối quan hệ với Moscow, mặc dù quan hệ với Hoa Kỳ cũng đã ấm lên trong những năm gần đây. Chẳng hạn, Ấn Độ tuân theo các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu dầu của Iran, bất kể mức giá hấp dẫn mà Iran chào bán cho những người sẵn sàng mạo hiểm mua dầu của mình.
Nhưng trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tìm đến Nga để đa dạng hóa nguồn dầu mỏ nhập khẩu, vốn chiếm 85% lượng tiêu thụ của Ấn Độ và hầu hết trong số đó đến từ Trung Đông.
Cả Ấn Độ và Nga đều quan tâm đến việc tiếp tục, thậm chí tăng cường mối quan hệ năng lượng và dầu mỏ của mình. Ấn Độ sẽ mua được dầu thô với giá hấp dẫn trong khi Nga sẽ tiếp tục có thị trường lớn và đang mở rộng cho dầu của mình tại một trong những thị trường có nhu cầu tăng trưởng nhanh nhất.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Dầu khí và Khí đốt tự nhiên của Ấn Độ, Hardeep Singh Puri, đã thảo luận vào tuần trước về việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng, như chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố vào thứ Năm tuần trước.
“Những gì chúng tôi có là quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt; các nhà lãnh đạo của nước chúng tôi duy trì liên lạc thường xuyên. Hợp tác cùng có lợi được tích cực thúc đẩy, bao gồm các dự án LNG 2 và Sakhalin 1 ở Bắc Cực. Gazprom cung cấp LNG cho Ấn Độ và Rosneft tiếp tục công việc có hệ thống với các đối tác Ấn Độ. Chúng tôi quan tâm đến việc thu hút hơn nữa đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực dầu khí của Nga và mở rộng mạng lưới bán hàng của các công ty Nga tại Ấn Độ”, ông Novak nói.
Ông cho biết: “Xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ của Nga sang Ấn Độ đã đạt 1 tỷ USD và có nhiều cơ hội rõ ràng để tăng con số này”.
Rõ ràng là cả Ấn Độ và Nga đều sẵn sàng thắt chặt hơn mối quan hệ năng lượng của mihf, nhưng họ phải tìm cách tiếp tục giao dịch dầu mà không cần hệ thống ngân hàng SWIFT cũng như cách nhận được sự bảo lãnh của ngân hàng và bảo hiểm cho hàng hóa.
“Có một lời đề nghị mở trong hai ba ngày qua mà Nga đưa ra cho dầu thô với một mức giá chiết khấu nào đó nhưng chúng tôi không biết nó có thể có hiệu lực như thế nào bởi vì rất nhiều yếu tố sẽ phải được cân nhắc và chúng tôi sẽ phải nhận dầu từ một số cảng để vận chuyển và sau đó liệu nó có thể đến Ấn Độ hay không, và liệu nó có khả thi hay không”, một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói với tờ Times of India vào tuần trước.
“Chúng có nhận được bảo hiểm hay không? Vị quan chức này nói thêm, đề cập đến các chuyến hàng từ Nga.
Một quan chức Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times vào cuối tuần qua, nước này cũng đang xem xét các cách để duy trì thương mại với Nga, không chỉ về dầu thô, bằng cách thiết lập một hệ thống thanh toán thay thế bằng tài khoản tại ngân hàng. Theo các nhà phân tích, điều này có thể khó thực hiện vì cả đồng ruble của Nga và đồng rupee của Ấn Độ đều không được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế.
Ấn Độ có thể mua một số dầu của Nga không được phương Tây chấp nhận, nhưng sẽ không thể tiêu thụ được tất cả khối lượng mà các nhà nhập khẩu phương Tây đang né tránh.
Tuần trước, Standard Chartered cho biết Nga sẽ phải đóng cửa một số hoạt động khai thác dầu của mình vì sẽ không thể bán tất cả khối lượng được chuyển từ thị trường châu Âu sang các khu vực khác, khi sản lượng dầu thô của Nga giảm và tiếp tục suy giảm trong ít nhất ba năm tới. Ngay cả trước khi Hoa Kỳ cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, việc buôn bán các mặt hàng của Nga đã trở nên khó khăn đối với nhiều công ty toàn cầu.
Nguồn tin: xangdau.net