Sẽ là một mùa đông rất lạnh vì Trung Quốc, Châu Âu và Ấn Độ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn trong những tháng tới. Khi việc sử dụng năng lượng của thế giới quay trở lại mức trước đại dịch, các chuỗi cung ứng đơn giản là không thể theo kịp nhu cầu.
Hiện giờ, vào đúng thời điểm COP26 đang diễn ra ở Scotland để đưa ra một tiến trình hướng tới quá trình khử cacbon toàn cầu, Trung Quốc đang chuyển sang sử dụng than đá, Ấn Độ - vốn đã phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất cho 70% nguồn năng lượng của mình- đang có nguy cơ trong tình trạng cạn kiệt hoàn toàn than, và sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch đã trở nên rõ ràng khi giá năng lượng tăng vọt.
Tuy nhiên, sự liên tục của các sự kiện trong khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ là một phần của câu chuyện. Theo một bài báo gần đây của Reuters, hạn hán vô tình có thể là nguyên nhân cho ít nhất một phần lý do dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trung Quốc có công suất thủy điện lớn nhất trên thế giới và phụ thuộc vào thủy điện cho gần 10% tổng năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi, điều này có thể gây ra rắc rối lớn cho các dự án thủy điện trên khắp thế giới.
Reuters đưa tin vào tháng 8: “Năm nay, hạn hán đã gây ra sự gián đoạn lớn nhất trong sản xuất thủy điện trong nhiều thập kỷ ở những nơi như miền Tây Hoa Kỳ và Brazil”. Trung Quốc vẫn đang phục hồi sau những ảnh hưởng của đợt hạn hán nghiêm trọng năm ngoái đối với sản xuất thủy điện ở tỉnh Vân Nam, miền tây nam của đất nước”. Giờ đây, việc mất sản lượng thủy điện ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, khi Trung Quốc tìm đến các nguồn năng lượng khác để lấp đầy khoảng trống, do đó tiếp tục làm khan hiếm nguồn cung than, dầu và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một quốc gia đã sẵn sàng để giành lợi thế lớn từ sự siết chặt nguồn cung hiện tại. Khi châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới – ngày càng tuyệt vọng, thì Nga dường như đang cố tình dựa vào nguồn cung khí đốt tự nhiên để giành lợi thế địa chính trị cho mình. Người ta tin rằng Nga đang sử dụng nguồn cung khí đốt tự nhiên của mình "như một vũ khí" để khiến châu Âu phục tùng mong muốn của Điện Kremlin. Động lực chính nhiều khả năng là đường ống Nord Stream 2. Đường ống trị giá 11 tỷ USD nối giữa Nga và Đức đi qua Biển Baltic đã được hoàn thành nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động do lo ngại rằng động thái này sẽ khiến Nga có quá nhiều ảnh hưởng đối với Liên minh châu Âu. Bây giờ, Nga dường như đang sử dụng vũ khí đó để hỗ trợ mạnh mẽ cho việc mở cửa đường ống - tất nhiên điều này sẽ chỉ càng làm tăng thêm quyền lực mà thôi.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến ranh giới đó nếu Nga thực sự có khí đốt để cung cấp và họ chọn không cung cấp, và sẽ chỉ làm như vậy nếu châu Âu chấp nhận các yêu cầu khác hoàn toàn không liên quan", Amos Hochstein, cố vấn của Biden, được Reuters dẫn lời. Ông tiếp tục: “Nhiều tổ chức đã xác nhận rằng nhà cung cấp duy nhất thực sự có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho an ninh năng lượng châu Âu cho mùa đông này, không ai khác chính là Nga. Tổng thống Vladmir Putin đã bác bỏ cáo buộc rằng Nga cố tình giữ lại nguồn cung năng lượng”.
Moscow đang sẵn sàng gặt hái những lợi ích to lớn cả về mặt chiến lược và tài chính từ châu Á cũng như châu Âu trong mùa đông này. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tìm cách nhập khẩu từ Nga để duy trì hoạt động trong nước. Cả hai quốc gia đều đã trải qua tình trạng mất điện do khủng hoảng nguồn cung năm nay. Theo Al Jazeera, Bắc Kinh dự kiến sẽ mua 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Gazprom của Nga trong năm nay thông qua đường ống phía đông Trung Quốc-Nga. Con số này đánh dấu mức tăng gấp hai lần so với năm ngoái. Ấn Độ cũng vậy, gần đây đã ký một thỏa thuận với Nga để mua 40 triệu tấn than cốc hàng năm.
Nguồn tin: xangdau.net