Giới phân tích quốc tế đã gọi thái độ của Nga sau quyết định không tiếp tục hợp tác với OPEC là cương quyết đến mức bình thản.
Nga quyết chiến đến cùng
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với Saudi Arabia dẫn đầu đã không thể thuyết phục Nga cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Trả lời hãng Reuters, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin cho rằng đòi hỏi này thực tế là “một thách thức” lớn. Ông nói: “Chúng tôi không thể đối phó với tình trạng nhu cầu sụt giảm khi không nắm rõ nhu cầu này sẽ chạm đáy ở mức nào… Rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi cứ phải cắt giảm hết lần này đến lần khác”.
Sau khi không thể thuyết phục Nga, Saudi Arabia đã đẩy mạnh cuộc cạnh tranh giành vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Riyadh hạ giá bán và tuyên bố tăng mạnh sản lượng. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vẫn đủ sức cạnh tranh “dù ở bất kỳ mức giá ước đoán nào”.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (phải) tại cuộc họp OPEC+ ngày 6/3
Các nhà sản xuất dầu mở tại Nga vẫn tỏ ra khá lạc quan. Giám đốc tập đoàn Lukoil Vagit Alekperov nói: “Đây không phải lần đầu giá dầu thô giảm… Chúng ta đã quen vận hành trong môi trường biến động như thế này”.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Mỹ (BofA) cho rằng với chi phí sản xuất gần như thấp nhất thế giới, cùng hệ thống thuế linh hoạt và đồng nội tệ ruble được thả nổi, các doanh nghiệp Nga vẫn có thể duy trì khai thác ngay cả trong kịch bản giá dầu giảm cực kỳ thấp, thậm chí còn 15-20 USD/thùng
Theo giới phân tích, hạ tầng cơ sở tại các mỏ khai thác phát triển, cũng như hệ thống đường sắt và các đường ống dẫn hoạt động hiệu quả đã giúp các tập đoàn của Nga có thể vận hành với chi phí thấp. Theo tính toán của Bloomberg, trong năm 2019, trung bình công ty dầu mỏ Rosneft PJSC, Gazprom Neft PJSC và nhà sản xuất tư nhân hàng đầu Lukoil PJSC chỉ phải chi chưa tới 4 USD chi phí khai thác 1 thùng dầu mỏ cộng với chi phí 5 USD vận chuyển/thùng.
Đáng chú ý là hệ thống tài chính của Nga cũng đảm bảo các quyền lợi cho doanh nghiệp. Năm ngoái, các doanh nghiệp đóng góp từ 34-42 USD/thùng cho ngân khố theo quy định về thuế và thuế xuất khẩu. Với hệ thống tài chính linh hoạt tại Nga, giá dầu giảm đồng nghĩa với việc mức thuế này cũng giảm theo.
Theo mức thuế “bậc thang” của Nga thì khi giá dầu thô ở mức 50 USD/thùng, các doanh nghiệp đóng hơn 40% doanh thu thuế. Nếu giá dầu xuống dưới mức 25 USD/ thùng, thuế tự động giảm xuống còn khoảng 20%, và khi giá xuống 15-20 USD/thùng, giới phân tích quốc tế cho rằng “gánh nặng tài chính gần như sẽ không còn”.
Nga sẽ trụ vững ngay cả khi giá dầu xuống mức 15 USD/thùng?
Một trong những lo ngại hàng đầu đối với Nga là việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách. Ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 40% dòng tiền thu về và là nền tảng cho các chương trình chi tiêu xã hội của Điện Kremlin.
Theo kế hoạch ngân sách quốc gia Nga, mức giá dầu cần để phục vụ các khoản chi tiêu trong vài năm tới phải đảm bảo hơn 40 USD/thùng. Do đó, hiện có ý kiến lo ngại rằng khi giá dầu xuống dưới mức 45-50 USD/thùng, Chính phủ Nga phải “tính đến chuyện tăng thuế đánh vào các nhà sản xuất”.
Một ví dụ được đưa ra là thời điểm năm 2016, khi cần nguồn vốn bổ sung trong giai đoạn thị trường lao dốc, Chính phủ Nga đã điều chỉnh thuế khai thác dầu để tăng doanh thu. Tuy nhiên, nhà phân tích Andrey Polischuk - làm việc tại ngân hàng Raiffeisenbank - khẳng định rằng việc tăng thuế chỉ diễn ra nếu thị trường sụt giá kéo dài từ 3-5 năm. Theo ông, các cú sốc về giá trong vài tháng ít có khả năng gây áp lực thuế đối với các nhà sản xuất.
Mỹ không ngại ván cược của Nga
Bất chấp những phát biểu lạc quan từ phía Nga, giới phân tích vẫn cảnh báo về một cú sốc kinh tế từ bên ngoài, điều nước Nga vẫn luôn cố gắng tránh nhưng lại đang tự tay kích hoạt trong cuộc chiến giá dầu hiện nay.
Chuyên trang về giá dầu quốc tế cho rằng Nga đã phá vỡ 3 năm hợp tác giữa với OPEC, gây sốc cho các bên tham dự cuộc họp tại Vienna, cũng như cả một số thành viên ban lãnh đạo ngành dầu mỏ của chính nước Nga, những người cho rằng động thái này là "phi lý”, và chính phủ các nước từ Trung Đông cho tới phương Tây.
Nga chủ động khai chiến dầu mỏ bất chấp thị trường đang lao dốc
Chủ tịch OPEC là Saudi Arabia đã nhanh chóng đáp trả động thái này với thông báo rằng họ sẽ không có nghĩa vụ phải giảm sản lượng nữa, và điều này đã gây ra một sự sụt giảm giá dầu lớn nhất chỉ trong một ngày trong vòng gần 3 thập kỷ qua, đồng thời khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng ruble cũng sụt giảm.
Oilprice nhận định Nga “muốn trừng phạt Mỹ” bằng cách gây sức ép nghiêm trọng lên ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, vốn đang bán hàng triệu thùng dầu, trong khi các công ty của Nga lại phải kiềm chế sản xuất theo thỏa thuận của OPEC+. Bloomberg thì gọi động thái của Nga trong bối cảnh COVID-19 đang làm sụt giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu là “một món quà gửi đến ngành công nghiệp đá phiến Mỹ”.
Theo Oilprice, sự sụt giảm giá dầu nảy sinh từ động thái này của Moscow cùng những mối lo ngại về những tác động của COVID-19 đối với hàng loạt ngành công nghiệp sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga trong ngắn hạn, và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ có thể hạ gục đá phiến Mỹ trong dài hạn.
Trong thời gian qua, Mỹ là bên được hưởng lợi từ giá dầu cao được duy trì nhờ OPEC+ cắt giảm sản lượng và đã vượt Saudi Arabia và Nga (hiện đã tụt xuống vị trí thứ ba) để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Một số nhà sản xuất đá phiến Mỹ đang giữ mức giá cân bằng là 50 USD/thùng hoặc cao hơn, khiến họ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Saudi Arabia và Nga có chi phí sản xuất rẻ hơn nên có thể có điều kiện khôi phục giá dầu tốt hơn.
Nga có thành công khi tấn công trực diện vào đồng đô la dầu mỏ của Mỹ?
Chuyên gia về chính sách năng lượng người Mỹ Gregory Brew nhận định: “Trong ngắn hạn, tác động của sự sụt giảm giá dầu với các công ty đá phiến Mỹ sẽ cực kỳ tai hại, và có thể gây ra một sự giảm sản lượng của Mỹ trong năm 2020”. Cũng theo ông, “các công ty dầu mỏ của Nga phần nào có thể miễn nhiễm với sự tác động này. Họ vẫn có lãi khi bán dầu với giá 30 USD/thùng nhờ đồng tiền bấp bênh và ngân sách được bảo hộ trong nhiều năm tới”.
Mặc dù vậy, chuyên gia Brew đánh giá ngành công nghiệp đá phiến Mỹ trước nay vẫn thể hiện sức bền bỉ và có khả năng sẽ tiếp tục thể hiện điều này. Theo ông, giá dầu thấp tạo ra sự vững chắc, có thể khiến các công ty cạnh tranh hơn trong dài hạn. Đây là điều trái ngược với những gì Moscow đang đánh cược.
Một chuyên gia người Mỹ khác là Rauf Mammadov có chung nhận định rằng “sự sụt giảm giá dầu sẽ không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đá phiến trong dài hạn”, do đặc thù ngành khai thác đá phiến không mất nhiều thời gian như khai thác các mỏ dầu trên đất liền và ngoài khơi.
Nguồn tin: baodatviet.vn