Không có lệnh cấm vận hay giá dầu thấp kéo dài nào đang cản trở tham vọng của Nga hoặc ý định khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ ở các vùng Bắc Cực của nước này.
Hồi tháng 4, gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft đã bắt đầu khoan giếng dầu ở cực Bắc nằm trên thềm Bắc cực Nga trong khu vực cấp phép Khatangsky ở Biển Laptev. Tháng 6, Rosneft dò đúng mạch dầu đầu tiên ở phía đông Bắc cực trong giấy phép này.
Hồi đầu tháng này, hãng cho biết các lượng dầu dự trữ có thể khai thác tại mỏ này hơn 80 triệu tấn dầu, tương đương khoảng 586,4 triệu thùng. Theo dữ liệu địa lý, trữ lượng tại giếng dầu này là 298 triệu tấn, hay khoảng 2,184 tỷ thùng, và dầu có chất lượng cao - nhẹ và ít lưu huỳnh, theo Rosneft.
Rosneft, có CEO Igor Sechin là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, tiếp tục khoan tại giếng này để nghiên cứu địa chất, tìm kiếm thêm dầu và xác định các chiến lược khoan trong tương lai với giấy phép này.
Rosneft và đơn vị Gazprom Neft thuộc tập đoàn Gazprom là hai công ty duy nhất được phép khoan ở ngoài khơi Bắc cực theo luật của Nga.
Gazprom Neft hiện đang điều hành một giàn khoan đang sản xuất dầu duy nhất tại Bắc Cực của Nga. Mỏ dầu Prirazlomnoye ở biển Pechora bắt đầu bơm dầu hồi cuối năm 2013. Ước tính mỏ dầu này chứa 70 triệu tấn, hay 513 triệu thùng, với sản lượng trung bình hàng năm là 5.5 triệu tấn (40.3 triệu thùng) với toàn bộ công suất.
Rosneft cũng dự định khởi động lại việc khoan vào Biển Barents trong năm tới và biển Kara trong vòng hai năm, do đó tự cam kết thực hiện việc khoan trên toàn bộ khu vực Bắc Cực của Nga.
Rosneft nắm giữ 28 giấy phép trong thềm Bắc cực Nga, nơi ước tính có tổng trữ lượng 34 tỷ tấn dầu tương đương, hay 249,22 tỷ thùng. Kể từ năm 2012, Rosneft đã đầu tư 1,74 tỷ đô la (100 tỷ rúp) vào thăm dò Bắc cực, và sẽ đầu tư thêm 4,354 tỷ đô la nữa (250 tỷ rúp) trong giai đoạn 2017-2021.
Về phần mình, Nga đã tuyên bố rằng dầu Bắc cực và việc khai thác dầu Bắc cực là hai ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của mình và đang hỗ trợ việc khai thác bằng cách đưa ra một thông điệp chính trị rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không làm ngăn cản tham vọng dầu mỏ Bắc cực của nước này.
Danh sách các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ từ năm 2014 cấm xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ (không bao gồm dịch vụ tài chính) hoặc công nghệ trong hỗ trợ thăm dò hoặc sản xuất ở vùng nước sâu của Nga, các dự án ngoài khơi Bắc Cực hay đá phiến mà có khả năng sản xuất dầu.
Trong khi các ngân hàng phương Tây vẫn đang đánh giá tác động tiềm ẩn của đợt trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga từ mùa hè này, Moscow đang cam kết hỗ trợ việc khai thác ở Bắc cực. Vào cuối tháng Tám, Thủ tướng Dmitry Medvedev phát biểu rằng Nga sẽ tài trợ cho việc khai thác thềm lục địa Bắc cực và nền kinh tế của các khu vực địa phương với hơn 2,770 tỷ đô la Mỹ (160 tỷ rúp) vào năm 2025. Ông cho biết chương trình của Nga về khai thác Bắc Cực dựa trên ba trụ cột: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng biển và phát triển thềm lục địa bằng công nghệ và trang thiết bị hiện đại.
Là một phần của chương trình này, trong năm 2021-2025, chính phủ sẽ tài trợ 414,5 triệu đô la (23,8 tỷ rúp) cho một chương trình xây dựng thiết bị và công nghệ dầu khí, cũng như máy móc công nghiệp cho thăm dò và khai thác ở Bắc Cực.
Theo các chuyên gia mà Rosneft dẫn lời, thềm lục địa Bắc cực dự kiến sẽ chiếm 20-30% sản lượng dầu của Nga vào năm 2050.
Chưa rõ ai sẽ cần dầu Bắc cực của Nga vào năm 2050, nhưng trong thời gian tới, Nga đang đặt cược vào Bắc Cực, và sự thành công trong thăm dò của Rosnieft năm nay có thể thực sự mang lại kết quả.
Nguồn tin: xangdau.net