Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nga đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong tương lai không xa

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo một cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới trên quy mô toàn cầu sẽ nổ ra vào năm 2013, do sản lượng dầu liên tục giảm, trong khi các mỏ mới không được tìm thấy, và trong bối cảnh đó giá dầu thế giới có thể lên tới 200 USD/thùng.

Như vậy, Nga sẽ là nước hưởng lợi lớn. Song, tờ "Tin tức" (Nga) cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nước này không có các mỏ mới, còn những giếng dầu được khai thác từ thời Liên Xô cũ thì sắp cạn kiệt. Có thể bây giờ là cơ hội cuối cùng để Nga tăng cường thăm dò dầu.

Nhu cầu dầu mỏ hiện không còn cao do suy thoái kinh tế, song sớm hay muộn nền kinh tế thế giới cũng sẽ phục hồi và không thể không cần đến nhiên liệu. Nhưng nhu cầu khổng lồ về dầu sẽ không được đáp ứng, đơn giản vì thế giới không có một lượng nhiên liệu lớn như vậy. Sự thiếu hụt sẽ đẩy giá dầu lên cao, làm gia tăng nguy cơ lạm phát và đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn đình trệ mới.

Theo IEA, sản lượng khai thác hiện tại liên tục giảm tại 580 trong tổng số 800 mỏ dầu lớn. Nga không phải là ngoại lệ. Bộ Năng lượng Nga cho hay năm 2008 ngành dầu mỏ nước này khai thác tổng cộng 488 triệu tấn, ít hơn 3 triệu tấn so với năm 2007. Đây không phải hiện tượng mà là xu thế. Hơn nữa, khi giá dầu đang hạ, các nhà đầu tư lại không muốn bỏ tiền để thăm dò và khai thác mỏ mới.

Khi giá dầu thế giới rất cao thì Nga vẫn giảm nhịp độ khai thác và xuất khẩu. Điều này có nguyên nhân của nó: Vào những năm 1970, nền kinh tế Xôviết trải qua cuộc khởi sắc cuối cùng nhờ giá "vàng đen" cao. Liên Xô có được siêu thu nhập hệt như Nga đã được hưởng vài năm trước. Nhưng cách chi tiêu "USD dầu mỏ" thì khác nhau. Thời Xôviết không có chuyện bỏ tiền ra mua thuyền buồm hay đội bóng ngoại. Tiền được chi cho quốc phòng, nhờ thế mà những công nghệ được nghiên cứu thời đó bây giờ vẫn là nền tảng của ngành xuất khẩu vũ khí của Nga. Nhà nước Liên Xô đầu tư xây dựng các nhà máy, từ cơ sở chế tạo ô tô VAZ và KAMAZ cho đến cơ sở lọc dầu mà cho đến nay vẫn bảo đảm nguồn xăng cho đất nước.

Nhưng hiện nay, các hãng dầu mỏ tư nhân ở Nga đã hoàn toàn thay đổi thái độ đối với việc khai thác tài nguyên. 9/10 số giếng dầu được các nhà địa chất thời Liên Xô tìm ra giờ bị bỏ hoang chỉ vì dầu không còn "phun như suối" nữa. Số còn lại bị khai thác theo kiểu ăn cướp. Người ta bơm khoảng 1/3 trữ lượng, khi dầu không "tự chảy" thì bỏ luôn cả giếng. Bởi để hút 2/3 lượng dầu còn lại thì phải đầu tư thêm tiền. Tờ "Tin tức" bình luận: "Các trùm tài phiệt dầu mỏ của chúng ta đã bóp chết hoạt động thăm dò địa chất bằng cách mua các nhà máy, tờ báo hay tàu thủy nước ngoài. Ai còn muốn đầu tư vào các mỏ dầu mới trong tương lai nếu ngay bây giờ có thể kiếm hàng chục tỷ USD bằng việc khác? Đó là toàn bộ bí mật vì sao chúng ta không kịp đáp ứng nhu cầu dầu mỏ sẽ lên cao”.

Năm 2008, giá dầu thô đạt mức đỉnh điểm 147 USD/thùng, tức về mặt lý thuyết các ông chủ dầu mỏ có những khoản tiền rất lớn để đầu tư vào việc tìm kiếm mỏ mới. Nhưng trên thực tế, chi phí khai thác dầu mỏ ở Nga thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi tỷ trọng thuế trong giá lên tới 73% khiến việc tìm kiếm và đưa vào hoạt động các mỏ mới không có lãi. Ngành dầu mỏ trong 5 năm tới thiếu 2.800 tỷ rúp (36 rúp = 1 USD) vốn đầu tư.

Bộ Tài chính Nga tỏ ra hoài nghi đối về số liệu của ngành dầu mỏ. Thứ nhất, ngành dầu mỏ lẽ ra phải tiết kiệm từng xu kiếm được. Thứ hai, ngành đã được nhà nước hỗ trợ rất mạnh mẽ: giảm thuế xuất khẩu và thuế khai thác tài nguyên. Kết cục là 500 tỷ rúp chảy vào túi ngành dầu mỏ.
 
(Vinanet)

ĐỌC THÊM