Những bình luận của các nhà lãnh đạo Nga về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đang dấy lên nghi ngờ rằng Moscow có thể không tham gia vào thỏa thuận này.
Khả năng các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga - Nhóm OPEC+, sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 6 đang được dự đoán ở mức rất thấp.
Các nhà phân tích đưa ra nhận định này không chỉ vì quyết định của Mỹ hồi cuối tháng 4 về việc chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt nhập khẩu dầu mỏ của Iran, mà còn do Nga đang tỏ ra hờ hững với việc tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu mỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al Falih và người đồng cấp Nga Alexander Novak tham dự một cuộc họp của OPEC và các đồng minh hồi tháng 12 năm 2018.
Nga sẽ từ bỏ thỏa thuận của OPEC+
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Nhóm OPEC+ được thực hiện từ đầu năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 6/2019. Theo đó, các nước trong và ngoài OPEC đã đồng ý giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày nhằm cân bằng nguồn cung - cầu trên thị trường để hỗ trợ giá dầu phục hồi và sẽ xem xét gia hạn thỏa thuận đến cuối năm này nếu cần thiết.
Các nước OPEC cắt giảm 2/3 số lượng dầu thô cắt giảm theo thỏa thuận này, trong khi Nga đồng ý giảm sản lượng 228.000 thùng dầu/ngày so với mức tháng 10/2018. Tuy nhiên, hồi tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, nước này mới chỉ cắt giảm được khoảng 140.000 thùng/ngày, làm gia tăng nghi ngờ về việc liệu Moscow có thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản xuất nó có làm giảm toàn bộ hay không.
Những bình luận gần đây của các nhà lãnh đạo Nga về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đang dấy lên nghi ngờ rằng Moscow có thể không tham gia vào thỏa thuận này.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Bắc cực được tổ chức tại TP St Petersburg, Nga hồi đầu tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, trong khi Nga sẵn sàng hợp tác với OPEC, song hiện tình hình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn chưa rõ ràng có cần thiết cắt giảm thêm hay không.
Trong khi đó, Bộ trưởng Novak cho biết, có thể không cần thiết để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất của Nhóm OPEC+ nếu thị trường có dấu hiệu cân bằng trong nửa cuối năm nay.
Tổng thống Putin cũng nói rằng ông không muốn chứng kiến sự biến động của giá dầu không thể kiểm soát được làm tổn thương các công ty dầu khí trong nước.
Công ty dầu mỏ Nga muốn “lờ” thỏa thuận cắt giảm sản xuất
Các DN năng lượng của Nga đã lảng tránh việc cắt giảm sản lượng vì thỏa thuận OPEC+ đang can thiệp vào các kế hoạch tăng trưởng sản xuất của họ. Các công ty của Nga được hưởng lợi từ sản xuất dầu cao hơn và không cần giá dầu cao như Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, để cân bằng ngân sách của mình.
Ngân sách của Nga đã được hưởng lợi từ giá dầu cao hơn do sản xuất hạn chế từ OPEC+. Giá “vàng đen” phục hồi mạnh hơn đã góp phần đẩy doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Nga tăng tới 38,2%, đạt mức 129,05 tỷ USD trong năm 2018, mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ tăng 2,9%, theo dữ liệu hải quan. Bên cạnh đó, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên mức 11,16 triệu thùng dầu/ngày trong năm ngoái, cao hơn mức 10,98 triệu thùng dầu/ngày trong năm trước đó - đều đạt mức kỷ lục kể từ thời hậu Xô Viết.
Các công ty năng lượng Nga không quá cần thiết giá dầu tăng lên mức cao hơn do giá thành sản xuất dẩu của họ tương đối thấp.
Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ cũng rất quan trọng đối với các công ty năng lượng Nga mà có mục tiêu phát triển các mỏ dầu mới và bù đắp sự sụt giảm từ các mỏ dầu lâu năm ở khu vực Urals và Tây Siberia.
Nhà phân tích Alexei Kalachev tại Công ty đầu tư Finam có trụ sở tại Moscow nhận xét: “Một số công ty dầu mỏ Nga, bao gồm tập đoàn khổng lồ Rosneft, đã bày tỏ lo ngại rằng việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các mỏ dầu mới được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây. Đối với các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga, khối lượng sản xuất cũng quan trọng như giá dầu theo quan điểm kinh doanh của họ”.
“Chi phí sản xuất dầu thô của Nga khá thấp so với các nước OPEC khác, và cho phép các nhà sản xuất vẫn thu được nhiều lợi nhuận nếu giá dầu ở mức thấp hơn. Điều này có nghĩa là các công ty năng lượng Nga không đòi hỏi giá dầu tăng lên mức cao hơn để tăng lợi nhuận”, ông Kalachev nói thêm.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Mỹ đã đưa ra một thách thức lớn đối với hiệp ước nguồn cung của OPEC cũng các đồng minh bằng cách chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu Iran.
Phản ứng với biện pháp siết trừng phạt với ngành dầu mỏ Iran, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al Falih tuyên bố đã chuẩn bị để đáp ứng tất cả nhu cầu thị trường về dầu mỏ, song tái khẳng định rằng Riyadh sẽ không vội vàng tăng cường sản xuất.
Quan điểm của Nga về thỏa thuận OPEC+ có lẽ sẽ không được biết cho đến tận sát ngày diễn ra cuộc họp với OPEC vào cuối tháng 6 tới, vì vậy thị trường và giới phân tích dầu mỏ sẽ tiếp tục suy đoán về số phận của hiệp ước trong vòng hơn 1 tháng. Lần này, Nga có thể quyết định rằng đã đến lúc bắt đầu phát triển các mỏ dầu mới và từ bỏ hiệp ước.
Cả Nga và Ả Rập Saudi đều đang cân nhắc xem có cần thiết phải gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong những tháng tới hay không, số phận hiệp ước của Nhóm OPEC+ có vẻ đang lung lay.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn