Nga vừa quyết định cấm xuất khẩu xăng các loại trong vòng 6 tháng tới đây nhằm bình ổn giá trong nước. Nhiều nước châu Âu hiện cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Hồi tháng 9/2023, Nga cũng đã cấm xuất khẩu xăng dầu các loại nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.
Hãng tin Reuters cho biết Nga vừa quyết định cấm xuất khẩu các sản phẩm xăng trong vòng 6 tháng kể từ ngày 1/3 tới đây nhằm bình ổn giá tại thị trường trong nước khi các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này chuẩn bị bảo dưỡng.
Người phát ngôn của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - Phó Thủ tướng phụ trách mảng năng lượng đã xác nhận thông tin trên và cho biết nhu cầu nhiên liệu tại Nga đang tăng lên và lệnh cấm này là “cần thiết để ổn định giá trong nước”.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, trong thời gian gần đây, mặc dù Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhưng sản lượng xăng dầu tại nước này đã bị suy yếu khi loạt nhà máy lọc hoá dầu bị Ukraine tập kích bằng máy bay không người lái.
Việc thiếu hụt nguồn cung có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt và gây ra những bất ổn tại Nga như những gì đã xảy ra vào mùa Hè năm ngoái. Tháng 9/2023, Nga đã phải tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu do tình trạng khan hiếm nguồn cung khi loạt nhà máy lọc hoá dầu tiến hành bảo trì theo mùa, đồng thời mức trợ cấp của Chính phủ đối với các nhà máy lọc hoá dầu bị giảm 50%.
Các biến động này đã khiến nạn đầu cơ bùng phát, kéo theo đó là sự biến động mạnh của giá nhiên liệu. Chỉ sau 3 tuần áp dụng lệnh cấm xuất khẩu, giá bán buôn dầu diesel và giá xăng tại Nga đã lần lượt giảm 21% và 10%.
Đến tháng 10/2023, Nga đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng vào tháng 11/2023. Tính chung cả năm 2023, Nga xuất khẩu 5,76 triệu tấn xăng dầu các loại (tương đương 13% tổng sản lượng). Các nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Nga là Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Nigeria, Libya, Tunisia…
Hiện nay, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do loạt nhà máy lọc hoá dầu tại Mỹ bảo trì theo mùa, kết hợp với tình trạng vận chuyển nhiên liệu qua Biển Đỏ gặp nhiều khó khăn.
Công suất lọc hoá dầu của Mỹ đã chạm mức thấp nhất nhiều tháng trở lại đây. Trong khi đó, lực lượng Houthi tại Yemen đang tăng cường tấn công các tàu chở dầu di chuyển qua khu vực Biển Đỏ với 2 vụ tấn công mới nhất diễn ra trong vòng 2 tuần trở lại đây. Điều này khiến loạt tàu chở dầu buộc phải thay đổi hải trình, kéo theo đó là thời gian vận chuyển nhiên liệu từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu cũng như chi phí tăng lên đáng kể.
Nguồn tin: Tạp chí công thương