Việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu do nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế quản lý còn bất cập, nên cần giải pháp mạnh, xử lý rốt ráo để thị trường được ổn định.
TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) khẳng định việc giao tính toán giá, chi phí xăng dầu về cho Bộ Công Thương là hoàn toàn hợp lý.
TS Giang Chấn Tây cho rằng Bộ Công Thương có đủ năng lực để quản lý từ chính sách đến thực tiễn và giá cả xăng dầu. Nếu được giao toàn quyền và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phải tìm lời giải một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu.
"Bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ, nếu lắng nghe doanh nghiệp, có chính sách phù hợp, chắc chắn thị trường sẽ vận động đúng theo quy luật của nó. Tôi cho rằng, việc quản lý được xăng dầu, ngăn chặn tình trạng hết xăng dầu cục bộ là thách thức của Bộ Công Thương khi tiếp quản toàn diện quản lý nhà nước về xăng dầu", TS Tây nói.
Giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ xóa bỏ cảnh ''cha chung không ai khóc", giúp đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường.
Quy định trong lĩnh vực xăng dầu hiện nay, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại chi phí, thuế... Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu... Theo TS Tây, vấn đề thiếu xăng, thị trường xăng dầu rối loạn như vừa qua có phần trách nhiệm của Bộ Tài chính khi việc chậm sửa đổi các chi phí, khiến doanh nghiệp lỗ kéo dài không dám nhập về bán.
Bên cạnh đó, khả năng phối hợp và tiếng nói chung giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa hiệu quả, dẫn đến năng lực điều hành thị trường xăng dầu kém. Do đó, đại diện doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về việc giao toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước về xăng dầu cho Bộ Công Thương theo tiêu chí trao quyền, gắn trách nhiệm. Doanh nghiệp xăng dầu cũng như người làm quản lý tại Bộ Công Thương nắm rất rõ về chi phí phát sinh, các chi phí ảnh hưởng đến cấu thành giá xăng dầu. Chính vì vậy, việc quản lý và chịu trách nhiệm sẽ không đổ lỗi cho ai khác được.
Khả năng phối hợp và tiếng nói chung giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa hiệu quả, dẫn đến năng lực điều hành thị trường xăng dầu kém
TS Giang Chấn Tây
"Giao toàn diện xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý thì Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm chung, cùng với giá và nguồn cung. Chịu trách nhiệm, không chịu ràng buộc từ các Bộ ngành khác, không phân tâm xin cơ chế, chính sách và ý kiến của các cơ quan khác để đưa ra các quyết định về nguồn cung, nhập thế nào, dự trữ bao nhiêu, phân giao đầu mối ra sao... Tất cả đều nằm trong tay quản lý của Bộ Công Thương", ông Giang Chấn Tây cho hay.
Tuy vậy, ông Tây cho rằng việc giao xăng dầu về một mối quản lý chưa thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều nên trước tiên các bộ liên quan phải ngồi lại, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn thay vì đổ lỗi cho nhau rồi cuối cùng đẩy về một mối.
"Khó khăn của thị trường chưa dứt trong khi nghị định không thể sửa trong vài ngày nên trước mắt các bộ vẫn phải phối hợp xử lý rốt ráo với nhau để thị trường được ổn định giai đoạn cuối năm, đừng để những bất ổn kèo dài thêm nữa", TS Tây nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng rằng đề xuất giao Bộ Công Thương toàn quyền và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá xăng dầu là hợp lý. Theo chuyên gia, giao về cho Bộ Công Thương, cơ quan quản lý từ doanh nghiệp nhập đến doanh nghiệp phân phối, sẽ chủ động và hiểu được cơ chế về chi phí tăng giảm thế nào, từ đó có phương án xây dựng giá tốt nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiến thiết lại thị trường và bộ máy một cách linh hoạt, chúng ta có thể cắt giảm bớt chi phí trung gian để doanh nghiệp bán lẻ lẫn người tiêu dùng tiếp cận được mức giá xăng dầu tương đối tiệm cận với giá thế giới mà không bị thiếu hàng hay lỗ lã thường xuyên.
Thêm nữa, khi được giao toàn quyền sẽ giúp Bộ Công Thương thuận lợi trong việc lập lại trật tự hoạt động kinh doanh xăng dầu, giúp ổn định thị trường, tránh gây ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống xã hội.
"Đứng ở góc độ người quan sát độc lập, nếu hệ thống chính sách, cơ chế quản lý hiệu quả thì một Bộ quản lý sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp thay vì nhiều cơ quan làm đầu mối. Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, đến hoạt động phân phối nhập khẩu về nước. Việc tự tách quản lý giá, các phương pháp tính giá khỏi quản lý của Bộ Công Thương khiến mọi hoạt động trở nên khập khiễng, Bộ này khó có thể quản lý được nếu như không được quyết định các chi phí phát sinh, chi phí liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Dù cho rằng việc giao Bộ Công Thương quản lý xăng dầu là hợp lý, sẽ xóa bỏ cảnh "cha chung không ai khóc", đổ trách nhiệm cho nhau khi thị trường có vấn đề song đại diện một doanh nghiệp vận tải băn khoăn liệu khi giao toàn quyền điều hành xăng dầu một mối thì có lo ngại giá xăng dầu tăng cao? Theo vị này, thời gian qua, nhiều đầu mối xăng dầu cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung là do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hạn chế nhập, bán hàng vì cứ nhập hàng là lỗ khi nhiều chi phí chưa được tính đúng tính đủ.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, doanh nghiệp xăng dầu muốn một bộ quản lý xăng dầu, tránh việc xin ý kiến đi, xin ý kiến lại khi cần điều chỉnh chi phí, giá cả. Tuy nhiên, lo lắng của doanh nghiệp vận tải là có cơ sở. Nhưng điều này sẽ khó xảy ra, bởi các yếu tố cấu thành giá và công thức tính giá cơ sở xăng dầu khá rõ ràng, nên không có chuyện cơ quan quản lý chiều theo ý doanh nghiệp xăng dầu mà tăng giá bán mặt hàng này một cách không phù hợp. Xăng dầu lại là mặt hàng chiến lược, đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và có tác động lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng. Việc điều hành giá xăng dầu luôn được cân nhắc theo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Nguồn tin: VTCNews