45 năm trước, Ả Rập Xê út và các đồng minh cắt nguồn cung dầu mỏ cho Mỹ, giảm 1/4 sản lượng cung cấp ra thị trường nhằm trừng phạt việc Mỹ có động thái hỗ trợ Israel. Khi đó, giá dầu lập tức tăng gấp 4 lần, khiến nền kinh tế toàn cầu chịu cú sốc lớn.
Hiện tại, quốc gia này đang đối mặt với đe dọa trừng phạt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, xung quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post được cho là đã bị Ả Rập Xê út bắt cóc và sát hại.
Ngay lập tức, giới chức của vương quốc dầu mỏ đưa ra thông điệp: “Ả Rập Xê út khẳng định, nếu phải đối mặt với bất cứ trừng phạt nào, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn. Kinh tế Ả Rập Xê út có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng tới nền kinh tế toàn cầu”.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế đồng quan điểm cho rằng, Ả Rập Xê út không có mong muốn sử dụng dầu mỏ làm vũ khí, bởi quốc gia này luôn đóng vai trò là “ngân hàng trung ương dầu mỏ”, điều tiết và giữ ổn định thị trường năng lượng này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp căng thẳng leo thang, không loại trừ khả năng Ả Rập Xê út có biện pháp phản kháng như từng sử dụng năm 1973 và nếu vậy, giá dầu có thể tăng lên gấp đôi vào cuối năm nay, đạt hơn 150 USD/thùng, từ mức khoảng 80 USD/thùng hiện tại.
Thậm chí, Turki Aldakhil, Tổng giám đốc hãng tin tức nhà nước Al-Arabiya của Ả Rập Xê út cho rằng, với việc “tấn công” vương quốc dầu mỏ, nước Mỹ đang tự đâm mình tới chết và giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng.
Hiện tại, thị trường dầu mỏ vẫn đang giao dịch trong bình lặng, khi các thành viên thị trường chờ đợi những diễn biến tiếp theo của vụ việc nhà báo bị mất tích. Nhưng có những lý do rõ ràng để các nhà đầu tư trở nên lo lắng, khi quyền lực dầu mỏ của Ả Rập Xê út đang mạnh hơn trong thời gian qua.
Từ trước tới nay, Ả Rập Xê út luôn có vị trí hàng đầu tại thị trường dầu mỏ, khi là quốc gia dẫn đầu tại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với sản lượng lớn nhất và tiếng nói có trọng lượng. Hiện tại, quốc gia này nắm giữ 12% thị phần thị trường dầu mỏ toàn cầu và duy trì ngôi vị số 1 trong danh sách các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Việc giá dầu đạt 100 USD/thùng vào cuối năm nay sẽ là chắc chắn.
- Robin Mills, CEO của Qamar Energy
Riêng với nước Mỹ, dù sản lượng dầu thô quốc gia này tự sản xuất đã tăng mạnh trong những năm qua, nhưng tính tới tháng 9/2018, Ả Rập Xê út vẫn là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai tới Mỹ, với con số trung bình 948.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, sau khi Mỹ cấm vận Iran, Ả Rập Xê út đóng vai trò là nhà cung cấp thay thế lượng dầu mỏ trước đây quốc gia này vẫn cung cấp ra thị trường. Hiện tại, Ả Rập Xê út sản xuất 10,5 triệu thùng/ngày, theo số liệu của OPEC.
Bjørnar Tonhaugen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy cho biết: “Dự báo, sản lượng dầu mỏ từ Iran sẽ giảm khoảng gần 1 triệu thùng/ngày. Ả Rập Xê út là quốc gia duy nhất có năng lực sản xuất đủ sức bù đắp lượng dầu thiếu hụt này”.
Trong bối cảnh này, mỗi động thái cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Xê út đều sẽ tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ toàn cầu, tác động trực tiếp tới túi tiền của mọi lái xe và có thể đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia lên mức đáng ngại.
Nếu việc giá dầu lên 150-200 USD/thùng còn có vẻ xa xôi, thì theo Robin Mills, CEO của Qamar Energy, việc giá dầu đạt 100 USD/thùng vào cuối năm nay sẽ là chắc chắn.
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoang.vn