Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi, khung thuế bảo vệ môi trường điều chỉnh từ 3.000 - 8.000 đồng/lít nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.
Ông Thi cũng khẳng định, để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.
Mặt khác, sau khi tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện cho thấy Luật thuế BVMT đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật thuế BVMT theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ, trình UBTVQH, trình Quốc hội quyết định.
- Vậy ông có thể cho biết lý do điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?
Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm:
Thứ nhất, chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Thứ hai, đảm bảo tính ổn định của Luật, trình UBTVQH kịp thời điều chỉnh mức thuế trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho UBTVQH để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn.
Thứ ba, tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.
Thứ tư, nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Thứ năm, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.
- Cơ sở nào để Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT lên 3.000 đồng/lít-8.000 đồng/lít, thưa ông?
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu.
Tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước.
Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Hiện 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam.
- Hiện một số hàng hóa khác cũng có những tác động nhất định tới môi trường như than, thép… Vậy, lý do nào để dự thảo này Bộ Tài chính chọn xăng là mặt hàng điều chỉnh khung thuế BVMT?
Luật thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế (thép không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT). Qua đánh giá tổng thể khung thuế BVMT hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC). Đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT còn lại, Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế.
- Có ý kiến cho rằng, việc tăng khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này, thưa ông?
Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu).
Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam.
Nguồn tin: Enternews.vn