Năm nay, giá dầu sẽ vượt quá 100 USD/thùng, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch dự đoán, do sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô do các quy tắc mới cho tàu biển. Trái với tuyên bố của ông Trump về sự cần thiết phải giảm giá dầu, Washington đang làm mọi cách để ngăn chặn điều này xảy ra, các nhà phân tích tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn muốn giảm giá dầu
Twitter là hy vọng cuối cùng
Brent đã giảm xuống dưới 71 USD/thùng - đây là cách thị trường phản ứng với tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nói rằng ông đã thảo luận về việc tăng sản lượng với đại diện của Arập Xê-út và các nước sản xuất dầu khác và tất cả mọi người đều đồng ý.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra nghi ngờ về điều đó. Arập Xê-út không thể đơn phương bỏ cuộc, vì chính Riyadh đã khởi xướng các thỏa thuận này và đã mời gọi Nga cùng tham gia, ông Putin cho biết.
“Vì sao chúng tôi đồng ý phối hợp hành động về dầu cùng với Arập Xê-út và những bạn bè khác của chúng tôi từ OPEC? Bởi vì khi đó thị trường cần phải được kiềm chế, và chúng ta cần phải thực hiện một số chính sách giá hợp lý”, ông Putin nhớ lại.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần cố gắng thao túng thị trường thông qua các tweets. Chẳng hạn, hồi tháng Tư năm ngoái, ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho giá dầu cao giả tạo do liên minh các quốc gia sản xuất dầu tạo ra. Ngay sau cuộc họp của đại diện OPEC tại Jeddah (Arập Xê-út), nơi họ thảo luận về các biện pháp giảm sản lượng nhằm nâng giá dầu, ông Trump đã xuất bản một tweet về chuyện này. Tuy nhiên, điều đó không tác động được đến OPEC.
Trong quá khứ, ông Trump đã tấn công OPEC bằng các tweet về dầu mỏ và giá dầu thực sự giảm - mặc dù giá giảm là vì những lý do hoàn toàn khác. Cuối cùng, giá đã trở lại cái mức do thị trường quyết định, theo Bloomberg.
OPEC mất kiểm soát
Các nhà phân tích chỉ ra rằng trong tình hình hiện tại, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm tác động đến giá dầu sẽ không có tác dụng. Trước hết, Washington đang dần mất đi tác dụng đòn bẩy đối với Arập Xê-út. Từ nay, Nga cùng với các thành viên quan trọng trong thỏa thuận OPEC+ tự xác lập chính sách giá.
"Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ coi Arập Xê-út là một trong những đồng minh địa chính trị thân cận nhất, một lực lượng ổn định quan trọng ở Trung Đông. Mỹ đã bán vũ khí cho Riyadh. Đổi lại, Washington chờ đợi nguồn cung dầu ổn định cho thị trường thế giới để tránh tăng giá và gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng hiện tại, với một đồng minh mới là Nga, rõ ràng Arập Xê-út đã không còn thuộc về Washington", Tạp chí Phố Wall nhận xét.
Hơn nữa, bằng hành động của mình, ông Trump chắc chắn đẩy thị trường về phía giá cao. Các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela đã tạo ra sự thiếu hụt dầu nặng, vì một phần rất lớn dầu nặng trên thế giới được cung cấp bởi hai quốc gia này.
"Trong chuyện giá dầu trở nên đắt đỏ, Hoa Kỳ nên tự trách mình: tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Iran trong điều kiện khi mà thị trường rất thiếu các loại dầu nặng và Arập Xê-út không vội vàng bù đắp, điều đó rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của giá" - các nhà phân tích từ Barclays của Anh, một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới, cho biết.
Thay đổi cấu trúc
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai gần, thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt với những thay đổi quy mô lớn. Lý do là các quy tắc mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), có hiệu lực vào năm 2020, đòi hỏi nghiêm ngặt phải hạn chế lượng khí thải lưu huỳnh cho tàu biển. Từ ngày 1/1/2020, tàu biển chỉ được phép sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5% thay vì 3,5% như hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp vận chuyển mang tính cách mạng này sẽ có tác động quyết định sự gia tăng của giá dầu trong năm tới, vì nó sẽ tạo ra khoảng cách trong việc cung cấp nhiều sản phẩm dầu mỏ, bao gồm cả nhiên liệu diesel. Như Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch dự đoán, thị trường kỳ vọng sự tăng trưởng bùng nổ về nhu cầu đối với nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Do đó, giá của dầu Brent vào cuối năm nay sẽ vượt quá 100 USD mỗi thùng.
Đối với ông Trump, đây là tin tức không mấy tốt lành. "Các cố vấn kinh tế cho tổng thống Hoa Kỳ đã nói rằng các quy định mới do IMO đưa ra có thể dẫn đến giá cao hơn, mặc dù mức tăng giá nhiên liệu, bao gồm diesel, xăng, nhiên liệu máy bay… có khác biệt đáng kể", Forbes lưu ý.
Đây là một vấn đề cần được giải quyết trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020, theo Hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống Trump. “Chắc chắn là ông Trump không muốn chứng kiến sự tăng giá của xăng và dầu diesel khi cử tri đi đến các phòng bỏ phiếu”, Reuters dẫn lời ông Tyrek Zahira, một nhà phân tích tại Tyche Capital Advisors.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ước tính tác động của các tiêu chuẩn mới đối với giá bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ là rất khiêm tốn: tăng từ 3,01 đô la mỗi gallon lên 3,15 USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán giá nhiên liệu diesel sẽ tăng thêm 20-30% trong năm tới.
Nguồn tin: petrotimes.vn