Nấm có thể dùng làm thức ăn, giúp sản xuất bánh mì và bia. Nhưng, điều ít ai biết là nó còn có thể dùng để chế tạo thuốc trừ sâu an toàn, cấy mô trong y học và là nguồn nhiên liệu xanh. Một số nhà sinh học nghiên cứu nấm và các sinh vật bào tử khác tin rằng, trong tương lai nấm có thể cứu môi trường thế giới.
Hầu hết năng lượng của nấm nằm trong một bó sợi tiết ra các enzyme có khả năng phá vỡ đất đá, tiết ra hóa chất bảo vệ môi trường sống của chúng đồng thời đẩy được chất dinh dưỡng vào đất. Theo bài báo của nhà khoa học Richard Webb đăng trên tạp chí New Scientist thì từ việc nghiên cứu những sợi nấm còn có thể tìm ra cách bào chế các loại thuốc mới hoặc nguồn nhiên liệu thân thiện môi trường.
Báo Daily Mail cho biết nhà vi sinh vật học Gary Strobel tại Đại học Montana, Bozeman đã phát triển thành công loại nhiên liệu sinh học từ loài nấm trên gỗ mục có tên khoa học Ascocoryne sarcoides, chứa các hợp chất dễ bay hơi có thể so sánh với nhiên liệu diesel. Tiến sĩ Strobel cũng đã dùng loại nhiên liệu từ nấm này để thử nghiệm cho chiếc xe gắn máy mà ông đang sử dụng. Khác với các nguồn nhiên liệu sinh học từ cây cỏ lên men, nguồn nguyên liệu làm từ nấm có thể thu được qua chất thải nông nghiệp. Tiến sĩ Strobel đang hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành hãng Ecovative là Eben Bower tin rằng hãng của ông có thể sản xuất thân vỏ xe từ sợi nấm vì chúng có thể phát triển thành một loại polymer linh hoạt như chất dẻo nhưng lại dễ phân hủy sinh học. Cũng dùng sợi nấm để làm các vật liệu khác nhau, công ty của Bower đã bắt đầu cung cấp bao bì EcoCradle cho hãng Dell như là sự thay thế chất liệu polystyrene, vốn rất không thân thiện với môi trường.
Theo báo Daily Mail thì các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu phối hợp nhiều loại nấm để sử dụng với các chất liệu khác như vỏ trấu, rơm, hạt bông… để sản xuất thành nhiều loại vật liệu mới bao gồm cả nhựa xốp chịu lửa.
Nguồn tin: Thanh Niên