Ngày 29-11, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, mức chiết khấu mà các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trả các đại lý bán lẻ xăng dầu đã được cải thiện đáng kể. Mức chiết khấu trung bình đã nâng lên khoảng 400-600 đồng/lít xăng dầu, một số địa phương ở khu vực phía Nam có mức chiết khấu 500-700 đồng/lít.
Theo dự báo, giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm vào ngày 1-12 sắp tới (nếu các khoản chi phí tính giá cơ sở xăng dầu chưa được liên bộ Công thương - Tài chính bổ sung, điều chỉnh lại) do giá dầu thô thế giới trong những ngày gần đây giảm mạnh.
Nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết, với mức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 5,5 triệu m3/tấn trong quý 4-2022 thì lượng xăng dầu bình quân cho tháng 12 là 1.833.333 m3/tấn/tháng.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã đưa ra hai kịch bản phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho năm 2023. Trong đó, theo kịch bản 1, nếu tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022 thì cần khoảng 25,9 triệu m3/tấn; kịch bản 2, nếu tăng trưởng 15% thì cần khoảng 26,76 triệu m3/tấn. Sản lượng này sẽ được phân bổ từng tháng, quý (áp dụng từ ngày 1-1-2023).
Sản lượng phân giao sẽ được tách bạch cụ thể sản lượng nhập khẩu và mua từ các nhà máy lọc hóa trong nước. Các doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ liên kết với nhau để nhập khẩu. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập khẩu để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường.
Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên báo cáo tới Bộ Tài chính để cập nhật các chi phí thực tế phát sinh. Vào ngày 20 hàng tháng, Bộ Tài chính sẽ rà soát các chi phí này để cập nhật vào giá cơ sở xăng dầu.
Nguồn tin: Sài gòn giải phóng