Là một nước đang phát triển, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng một cách bền vững trên quan điểm phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng và giá cả diễn biễn hết sức phức tạp đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành năng lượng nước ta trước yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Tại Hội thảo “Đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Học viện quốc gia và Thanh niên Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tuy là nước sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn, nhưng chúng ta cần phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội: trong đó năng lượng sơ cấp (than, thủy điện, dầu khí…) năm 2010 đạt khoảng 47,5 -49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi)…; nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và uranium); mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí; phát triển nguồn lưới điện đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kết hợp phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Đề cập tới vấn đề an ninh năng lượng, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)- nêu ra những giải pháp: trong tình hình hiện nay việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cần tăng khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực; nâng cao hiệu quả sử dụng, cải cách quản lý năng lượng, thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch và năng lượng thay thế; Nhà nước và cộng đồng xã hội hợp tác cùng tìm ra cách thức an ninh năng lượng mà khu vực đang phải đối mặt; phát triển các dự án xuyên quốc gia… An toàn năng lượng ngày nay bao hàm nghĩa đa dạng hóa không chỉ các nguồn năng lượng, mà cả các tuyến cung cấp, khu vực cung cấp và nhà cung cấp năng lượng, cũng như sử dụng năng lượng tái sinh.
Về nguồn năng lượng tái sinh, tận dụng và sử dụng sao cho hiệu quả, GSTS Bùi Văn Ga- Đại học Đà Nẵng đã giới thiệu những giải pháp mở rộng ứng dụng Biogas trong đời sống hàng ngày. Đó là việc sản xuất và sử dụng Biogas hiện nay trên thế giới và trong nước đã trở nên phổ biến hơn tuy nhiên mới chỉ dừng trong phạm vi sinh hoạt như đun nấu, việc đưa Biogas dùng làm nhiên liệu phục vụ các ngành sản xuất chưa được ứng dụng mấy. Nay đã trở thành vấn đề đang được nhiều nước quan tâm như nguồn năng lượng thay thế trong sử dụng cho động cơ…
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam: Tiêu thụ năng lượng gia tăng là mối lo âu lớn nhất mà các nước trên thế giới đang phải giải quyết. Ở Việt Nam, nơi mà tiêu thụ năng lượng đầu người chỉ bằng 1/10 so với các nước phát triển, nhưng sau hai năm gia nhập WTO các ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống được nâng cao… nhu cầu sử dụng điện tăng vọt lên 17%/năm. Bởi vậy, trong các giải pháp phát triển các loại hình nguồn điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, giải pháp tổng hoà giữa tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp giữa nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt với tỷ trọng thích hợp với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhận sẽ là giải pháp tối ưu.
Theo kế hoạch đến năm 2015, bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đi vào hoạt động là năm 2020 với công suất 2.000 MW. Trước tình hình thiếu điện hiện nay, Chính phủ đã đề nghị xây dựng gấp đôi công suất, tức là 4 tổ máy và 2 nhà máy điện hạt nhân ở hai địa điểm khác nhau. Trong tổng sơ đồ điện 6, sau năm 2020 điện hạt nhân sẽ chiếm 20% tổng sản lượng điện của VN.
(Vietstock)