Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Năm 2009 : Ngành dầu khí sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ

Trong hội nghị triển khai công tác năm 2009 của Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho rằng năm 2009 ngành dầu khí sẽ có một bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho dòng dầu thô Việt Nam. Khúc quanh suy thoái của kinh tế thế giới đã tạo sức ép và động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tự lực cánh sinh
 
Không nghỉ tết
 

Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 do Petrovietnam làm chủ đầu tư, dự kiến vận hành trong quý 1-2009. Ảnh: ĐỨC THÀNH

 
Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Petrovietnam, khẳng định, năm nay những công nhân tại các giàn khoan sẽ không nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Không chỉ vậy, các dự án khác của ngành dầu khí, các nhà máy điện đạm cũng sẽ không đóng máy, bố trí làm việc để duy trì sản xuất trong những ngày lễ tết.
 
Ngành dầu khí khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm, không đình hoãn dự án nào. Nhưng dự án được ngành dầu khí quan tâm nhất trong năm 2009 chính là chuẩn bị khởi công xây dựng đóng mới giàn khoan đầu tiên do chính tập đoàn thực hiện.
 
Theo báo cáo của ông Đinh La Thăng, việc đóng được giàn khoan trong nước đã tạo cơ hội để ngành dầu khí có điều kiện phát triển nhanh, hiệu quả và có sức lan tỏa đến các ngành công nghiệp phụ trợ khác khi cung ứng linh kiện phụ tùng cho xây dựng giàn khoan, trong đó có ngành cơ khí. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao những nỗ lực này của ngành dầu khí vì sản xuất trong nước sẽ kéo theo giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động và kích thích ngành cơ khí phát triển.
 
Dấu ấn của ngành đóng tàu
 
Trong khi ngành công nghiệp dầu khí đang tiến một bước dài thì ngành đóng tàu Việt Nam cũng cam kết sẽ tạo dấu ấn mạnh mẽ trong năm nay. Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), cho biết, năm 2009 sẽ giao loạt tàu đầu tiên gồm 22 tàu trong tổng số 32 tàu theo đơn hàng của Chính phủ cho Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinaline). Đó là các tàu chở hàng có trọng tải 6.500 - 12.500 tấn.
 
Năm 2009, Vinashin sẽ đóng các con tàu chuyên dụng cho các doanh nghiệp trong nước như tàu chở dầu, tàu chứa dầu 105.000-150.000 tấn cho ngành dầu khí; tàu chở ô tô, xi măng, tàu kéo… Đáng lưu ý, năm 2008, Vinashin đã xuất khẩu hơn 500 triệu USD các thiết bị cơ khí và năm nay dự kiến xuất khẩu khoảng 700 triệu USD. Ông Bình cũng cho biết, Vinashin đã có thể sản xuất phôi thép từ quặng tại Việt Nam (nhà máy tại Yên Bái), và hiện nay đã cán nóng thép từ phôi dài 1,8m để đóng tàu 10.000 tấn. Vinashin đang chuẩn bị để quý 3-2009 sẽ đưa nhà máy cán thép chịu lực với loại phôi dài 3,2m, có thể đóng tàu tới 100.000 tấn.
 
Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận xét, thời gian qua ngành đóng tàu đã có những bước tiến bộ đáng kể, từ khởi đầu bằng các đơn hàng của Chính phủ cho Vinaline, Vinashin đã nhanh chóng tận dụng cơ hội vươn lên gia công đóng tàu cho các nước, với sức chở ngày càng lớn và với nhiều loại tàu chuyên dụng như tàu du lịch, tàu chở hàng, tàu chở dầu thô, khí hóa lỏng…
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu cung ứng tàu chuyên dụng cho một số ngành như dầu khí chẳng hạn, Vinashin vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian. Trước tình hình khó khăn hiện nay, khi giá vận tải biển giảm mạnh ảnh hưởng đến các đội tàu quốc tế, Vinashin đã nhanh chóng chuyển hướng tập trung thực hiện nhanh các đơn hàng trong nước, khai thác hiệu quả các dự án đầu tư và tạo tác động dây chuyền cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác cung ứng linh kiện thiết bị cùng hoạt động, phát triển.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cần có sự liên hệ để tạo nên một thị trường nội bộ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn nội lực trong nước để phát triển trong giai đoạn này.
 
(Sài gòn giải phóng)

ĐỌC THÊM