Sự biến động mạnh của giá dầu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế và tạo ra những trạng thái trái ngược nhau. Một số chuyên gia nhận định nếu như những tháng đầu năm 2008, giá dầu thế giới lên tới mức kỷ lục làm gia tăng lo ngại về một nền kinh tế lạm phát và góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong nửa cuối năm, thì đến nay, các nhà kinh tế lại lo sợ giá dầu giảm sẽ gây hiện tượng giảm phát, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoàng hành dữ dội chưa thể suy yếu ngay được. Theo các nhà phân tích, giá loại "vàng đen" này có nhiều khả năng tiếp tục giảm trong năm 2009 do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi càng hạn chế nhu cầu tiêu thụ. Trước bối cảnh này, nhiều thể chế tài chính đã hạ thấp dự báo về giá dầu trong năm tới. Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch của Mỹ đã giảm mức dự báo của họ từ 90 USD/thùng xuống 50 USD/thùng, và không loại trừ khả năng giá dầu xuống tới 25 USD/thùng nếu kinh tế thế giới "chạm đáy" vào năm 2009. Deusch Bank dự báo giá dầu trung bình trong năm 2009 chỉ đạt 47-50 USD/thùng, thấp hơn mức dự đoán 60 USD/thùng trước đó đưa ra. Nhà nghiên cứu Micheal Lewis thuộc ngân hàng Deusch Banh cũng nhận định: "Bước sang năm 2009, giá nhiều loại hàng hóa sẽ tiếp tục giảm do hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh nhất kể từ cuộc "Đại suy thoái" trong những năm 30 của thế kỷ trước.
Đối với một số nước, giá dầu giảm là tin tức tốt lành duy nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính do động thái này làm dịu sức ép chi tiêu lên các chính phủ, các công ty và giới tiêu dùng, cũng như cho phép các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong nỗ lực kích thích kinh tế mà không phải lo ngại về lạm phát. Trái lại, đối với các nước có "vàng đen", giá dầu giảm lại đang trở thành "nỗi lo" lớn.
Chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp Pháp, Giăng Mi-sen Bê-dát (Jean-Michel Bezat), cho rằng dầu lửa, nguồn tài nguyên mang lại sự giàu có nhanh chóng cho một số nước trong mấy năm qua, giờ đây đang đẩy chính những nước này vào tình trạng bấp bênh. Khi dầu thô vượt mức 80 USD/thùng, các nước này đã "ngẩng cao đầu" sau hơn 15 năm phải chịu bán dầu với giá rẻ (1985-2000). Khi giá dầu rớt, thì giấc mơ về sự thịnh vượng cũng như những tham vọng của các nước trên tiêu tan dần. Thậm chí, những món nợ lớn về chính trị và xã hội đang đè nặng lên các nước này bởi vì sự ổn định hiện nay phần lớn được bảo đảm nhờ vào các khoản lợi tức kếch sù từ dầu lửa.
Liệu tương lai những nước này có đáng sợ đến như vậy? Theo chuyên gia Giăng Mi-sen Bê-dát, mối đe dọa này sẽ chỉ giảm khi sản lượng dầu thô tăng lên do nhu cầu một lần nữa tăng cùng với sự tăng trưởng trở lại của kinh tế. Vấn đề chỉ là thời gian và thời điểm thế giới thoát ra khỏi cơn khủng hoảng.
Các nhà phân tích cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), cung cấp 40% nhu cầu dầu thế giới, hoàn toàn có thể vực giá dầu lên nếu tiếp tục cắt giảm sản lượng sau ba đợt giảm liên tiếp với tổng cộng 4,2 triệu thùng/ngày vừa qua. Tuy nhiên, chẳng cần phải thực hiện triệt để, báo cáo về "Triển vọng Năng lượng Thế giới 2008" đưa ra dự báo "kỷ nguyên giá dầu rẻ" hiện sắp kết thúc do nhu cầu dầu mỏ dài hạn vẫn tăng. Giới phân tích nhận định giá dầu khó có thể "hạ nhiệt" do thế giới vẫn đang đứng trước nhiều biến động không chỉ về kinh tế, mà yếu tố địa chính trị và các hoạt động khai thác cũng đang là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao. Trong tương lai nguồn năng lượng được mệnh danh là "vàng đen" này có nguy cơ trở thành món hàng bị giành giật và rất có thể là nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột giữa nhiều quốc gia