Bất chấp những tuyên bố hồi năm ngoái rằng nước này đang phấn đấu không phát thải carbon vào năm 2050, Na Uy hiện cho biết họ sẽ dốc toàn lực trong các dự án dầu mỏ của mình trong những thập kỷ tới. Trong khi nước láng giềng Đan Mạch có kế hoạch chấm dứt tất cả các hoạt động trên Biển Bắc vào năm 2050, thì Na Uy, nhà sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu, tiếp tục phê duyệt các hợp đồng thăm dò và khai thác cho một số công ty, vì họ dự định phát triển hơn nữa ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đã có tiếng của mình.
Trong sách trắng, Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Năng lượng, Tina Bru, tuyên bố rằng “Mục tiêu chính của chính sách dầu khí của chính phủ - tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất có lợi nhuận trong ngành dầu khí về mặt dài hạn – vẫn còn hiệu lực.”
Tuần này, các hãng khai thác dầu lớn của Na Uy thông báo họ sẽ khai thác bốn phát hiện dầu khí, với chi phí 1,69 tỷ đô la, để tăng sản lượng tại các mỏ dầu hiện có của đất nước. Equinor (0,47%) và Aker BP hy vọng sẽ khai thác các nguồn dầu còn lại của Na Uy trong khi nhu cầu đang cao, vì sau 50 năm sản xuất dầu, khoảng một nửa trữ lượng dầu của quốc gia này vẫn chưa được khai thác.
Dự án Kristin South, bao gồm các phát hiện Lavrans và Kristin Q, đang chờ Bộ phê duyệt và dự kiến sẽ đạt sản lượng 58,2 triệu thùng dầu tương đương trong suốt thời gian hoạt động của mỏ dầu này. Equinor sẽ vận hành mỏ Kristin, bắt đầu sản xuất vào năm 2024 và 2025. Petoro, Eni (1,68%) và TotalEnergies (1,26%) đều có cổ phần trong mỏ dầu này.
Đầu tháng 6, Na Uy đã cấp bốn giấy phép mới ở Biển Na Uy và ba giấy phép ở Biển Barents, ở các khu vực biên giới Bắc Cực, cho bảy công ty. Một trong những mối quan tâm chính của Bộ Dầu mỏ và Năng lượng là duy trì việc làm ổn định trong nước, với khoảng 200.000 việc làm hiện có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến ngành dầu khí.
Trong khi Na Uy đang dẫn đầu về năng lượng xanh ở cấp độ quốc gia, thì nhiều người đang chỉ trích mức độ xuất khẩu dầu cao của nước này, vốn không thân thiện với carbon. Khi các nhà lãnh đạo quốc gia nói về một "quá trình chuyển đổi xanh", không thể không nhận thấy rằng Na Uy vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu và khí đốt của mình ngay cả khi đang tìm cách chuyển sang năng lượng tái tạo ở trong nước.
Các mục tiêu cắt giảm carbon đầy tham vọng của Na Uy không tính đến lượng khí thải từ dầu và khí đốt mà nước này bán cho các quốc gia khác, có nghĩa là nước này vẫn có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, Sandrine Dixson-Decleve, đồng chủ tịch của tổ chức Club of Rome giải thích: “Chúng tôi mong chờ ở Na Uy về sự lãnh đạo và tham vọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng – chứ không phải sự tự mãn và rút lui. Nhìn theo hướng khác sẽ thật sự loại bỏ động lực chính trị toàn cầu đang gia tăng để chuyển hệ thống năng lượng của chúng ta từ các tài sản năng lượng hóa thạch bị mắc kẹt sang năng lượng các-bon thấp”.
Tuy nhiên, Na Uy lập luận rằng họ sản xuất một số loại dầu xanh nhất thế giới, một phần nhờ vào hệ thống liên kết các giàn khoan ngoài khơi với lưới điện trên đất liền, cho phép họ tránh sử dụng máy phát điện diesel.
Ngoài ra, Na Uy đang đặt niềm tin rất nhiều vào năng lượng gió ngoài khơi, hydro và điện khí hóa để đạt được Cam kết Thỏa thuận Paris và cân bằng sản xuất dầu và khí đốt.
Nhưng một số người tin rằng Na Uy còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn sản xuất dầu mỏ xanh thực sự thông qua các dự án thu giữ carbon và hydro. Và nếu các hãng khai thác không thể tiếp cận năng lượng tái tạo giá rẻ, nó có thể buộc họ phải đóng cửa các mỏ dầu sớm do chi phí phát thải tăng lên.
Câu hỏi đặt ra là liệu Na Uy có thể áp dụng đủ các biện pháp thực hành năng lượng xanh để kéo dài tuổi thọ của ngành công nghiệp dầu mỏ đã có từ lâu cũng như đạt được mục tiêu cắt giảm carbon hay không.
Nguồn tin: xangdau.net