Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm mạnh do tác động từ đại dịch Covid-19, song Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất dầu thô và khí tự nhiên lớn nhất thế giới.
Cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ cho phép các doanh nghiệp Mỹ ứng dụng rộng rãi các phương pháp như bẻ gãy thủy lực và khoan ngang, đẩy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng vọt, từ 5 triệu thùng/ngày vào năm 2008 lên 13,1 triệu thùng/ngày trong tuần cuối của tháng 2-2020, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Một giếng dầu đá phiến trong lưu vực Permian thuộc Texas
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế số một thế giới nói chung, ngành dầu khí Mỹ nói riêng. Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm xuống còn 11,6 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 8-5-2020 và dự kiến sẽ đạt trung bình 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Báo cáo thống kê về năng lượng thế giới của BP công bố năm ngoái cho thấy Mỹ vẫn đứng đầu về sản lượng dầu thô và sản phẩm dầu toàn cầu, với mức trung bình 15,3 triệu thùng/ngày năm 2018. Xếp sau là Arập Xêút với 12,2 triệu thùng/ngày và Nga 11,4 triệu thùng/ngày.
Thực tế, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến Mỹ giảm lượng dầu thô nhập khẩu trong những năm qua và bắt đầu hướng tới xuất khẩu.
Vào cuối năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ được áp đặt ở Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Kể từ đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã tăng từ 591.000 thùng/ngày trong năm 2016 lên mức cao kỷ lục 3,71 triệu thùng/ngày vào tháng 2-2020, EIA cho hay.
Đối với nhập khẩu dầu thô, Mỹ ghi nhận con số kỷ lục 10,12 triệu thùng/ngày trong năm 2006, trước khi cách mạng dầu đá phiến bùng nổ. Nhập khẩu dầu thô giảm xuống mức trung bình 6,79 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và chỉ còn 5,81 triệu thùng/ngày vào tháng 11-2019. Mỹ nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Canada, trung bình 3,81 triệu thùng/ngày năm 2019.
Kể từ cách mạng dầu đá phiến, sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng tăng vọt từ 597,5 tỉ m3 (Bcm) trong năm 2008 lên 1,02 nghìn tỉ m3 (Tcm) vào năm 2019.
Mỹ là quốc gia đứng đầu về sản xuất khí đốt, sản lượng trung bình khoảng 832 Bcm năm 2018, Nga xếp thứ hai với 669 Bcm, Iran xếp thứ ba với 239 Bcm. Trong khi đó, Qatar - quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) trong hơn một thập niên - rớt xuống vị trí thứ 4 với 175 Bcm.
Tuy nhiên, Canada vẫn là quốc gia cung cấp khí đốt hàng đầu của Mỹ. Năm 2019, lượng khí đốt mà Mỹ nhập khẩu từ Canada đạt 75,9 Bcm, theo EIA. Mỹ còn nhập khẩu LNG từ Trinidad năm 2019 với 1,32 Bcm, Nigeria với 87,8 triệu m3 (Mcm) và Pháp 73,6 Mcm.
Từ năm 2017, Mỹ xuất khẩu nhiều khí đốt hơn so với nhập khẩu. Nguyên nhân là do xuất khẩu LNG và xuất khẩu bằng đường ống đến Mexico tăng lên.
EIA dẫn các số liệu cho thấy xuất khẩu LNG của Mỹ chỉ đạt mức hơn 93 Mcm vào tháng 2-2016, nhưng tới tháng 1-2020, con số này vọt lên mức kỷ lục gần 7,1 Bcm
Nguồn tin: petrotimes.vn