Mỹ cấm vận dầu Iran, trừng phạt dầu mỏ của Venezuela phục vụ mục tiêu nhà xuất khẩu sản phẩm dầu lớn nhất thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa dự báo Mỹ sẽ bơm khoảng 12,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2019 và con số này tăng lên 13,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020 bất chấp giá dầu có thể sẽ thấp hơn năm ngoái.
Mỹ không từ bỏ tham vọng nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa: Getty Images
Hầu hết mức tăng này được cho là sẽ đến từ một số vùng thuộc Texas và New Mexico, nơi sản xuất bùng nổ trong mấy năm gần đây nhờ sử dụng công nghệ bẻ vỡ thủy lực và các công nghệ khác để khai thác nhiều dầu và khí đốt được hình thành trong đá phiến.
Các nhà dự báo cho hay Mỹ - hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - sẽ trở thành nhà xuất khẩu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ ròng vào năm 2020.
EIA cho rằng, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bơm dầu vào thị trường bất kể giá bình quân trên thị trường giao dịch quốc tế trong năm nay ước tính ở mức 61 USD/thùng và khoảng 62 USD/thùng vào năm 2020, thấp hơn so với mức 71 USD/thùng trong năm 2018.
"Sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được hỗ trợ bởi mức giá dầu rẻ hơn và các dự án lọc dầu mới đi vào hoạt động ở Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng giảm tốc kinh tế sẽ hạn chế khả năng tăng cao hơn trong nhu cầu tiêu thụ dầu", báo cáo có đoạn viết.
Sản lượng dầu lớn mà Washington muốn tung ra thị trường vào năm tới được cho là nhằm bù đắp lượng dầu bị hạn chế lưu thông từ Iran, Venezuela - những quốc gia mà Washington đã tuyên bố trừng phạt.
Bên cạnh đó, việc OPEC thực thi kế hoạch giảm 800.000 thùng/ngày sản lượng dầu hàng ngày cũng sẽ khiến thị trường lo ngại thiếu dầu và Washington đang cố lấp chỗ trống.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã gây gián đoạn nguồn cung dầu nặng và chua, loại dầu thường cho khối lượng sản phẩm chưng cất lớn hơn, thay vì xăng. Bởi vậy, một số nhà máy lọc dầu đã bị gián đoạn hoạt động, nhưng điều này chưa khiến giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây.
"Về khối lượng dầu, thị trường có khả năng điều chỉnh được sau một số gián đoạn ban đầu (do lệnh trừng phạt áp lên Venezuela)", báo cáo của IEA nhận định. "Tồn kho dầu tại hầu hết các thị trường đang rất dồi dào, và công suất dự trữ của hoạt động khai thác dầu vẫn còn".
Trong vòng 2 năm qua, sản lượng dầu của Venezuela đã giảm khoảng một nửa, còn 1,17 triệu thùng/ngày, do ảnh hưởng bất lợi của khủng hoảng kinh tế đối với ngành công nghiệp năng lượng. Gần đây, xuất khẩu dầu của Venezuela còn bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 20%, đạt ngưỡng khoảng 63 USD/thùng. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng giá này diễn ra vào đầu tháng 1. Mấy tuần gần đây, giá dầu gần như giữ ổn định, bất chấp việc Mỹ áp trừng phạt lên ngành dầu lửa Venezuela.
"Giá dầu không tăng mạnh vì thị trường vẫn đang xoay sở với lượng dầu thừa phát sinh trong nửa sau của 2018" - IEA nhận định.
Nguồn tin: baodatviet.vn