Quyết định của ông Trump liên quan đến quy chế miễn trừ trừng phạt các quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran là một "cuộc chơi dầu mỏ" nhiều rủi ro.
"Canh bạc" của Washington
Trên thực tế, động thái bất ngờ này của Tổng thống Donald Trump nhằm tạo ra một "cuộc chơi dầu mỏ", gây sức ép tối đa để kéo xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ mức 1,5 triệu thùng/ngày hiện nay xuống ngưỡng gần bằng không, mục tiêu vốn đã được Washington theo đuổi từ lâu kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi tháng Năm năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump đang tìm cách cắt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran (Nguồn: Reuters)
Hai tuần sau khi, ông Trump thông báo đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố, quyết định mới nhất trên của ông chủ Nhà Trắng được coi là “canh bạc” mà Washington tin rằng họ có thể gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Tehran mà không làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu hoặc “gây khó chịu” cho các đối tác ở châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, “nước cờ” này của ông chủ Nhà Trắng ẩn chứa những rủi ro kinh tế và chính trị, đặc biệt khi ông Trump đang bước vào chiến dịch tái tranh cử. Do đó, Mỹ ngay lập tức tuyên bố sẽ phối hợp với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hai quốc gia là đối thủ trong khu vực của Iran, để kiểm soát bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung và giữ giá dầu mỏ trong tầm kiểm soát.
Mặc dù vậy, phía Saudi Arabia hiện vẫn để ngỏ khả năng tăng sản lượng dầu mỏ và sẽ chỉ quyết định sau khi đánh giá đầy đủ tác động đối với thị trường dầu mỏ theo sau chính sách mới của Mỹ. Bản thân Saudi Arabia cũng cảm thấy họ từng là “nạn nhân” khi phải tăng sản lượng hồi năm ngoái để bù đắp lượng dầu thiếu hụt sau các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Iran.
Hầu hết các nhà phân tích từng dự đoán chính quyền Mỹ sẽ gia hạn quy chế miễn trừ nói trên, trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn ở mức tương đối cao và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ đang bước vào mùa cao điểm. Vì vậy, nhiều người hẳn đã cảm thấy bất ngờ trước quyết định đột ngột của ông Trump.
"Cứng rắn" tới cùng
Một số nguồn tin cho biết, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng thông báo tới các nước nằm trong diện miễn trừ trừng phạt khi nhập khẩu dầu mỏ Iran rằng quy chế này có thể sẽ được gia hạn, song mọi chuyện đột ngột thay đổi khi Nhà Trắng can thiệp. Cả ông Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đều đang theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Iran, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, vốn ủng hộ duy trì quan hệ ngoại giao với Tehran. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động mạnh mẽ tới Iran, bởi lẽ 40% nguồn thu của nước Cộng hòa Hồi giáo này là từ xuất khẩu dầu mỏ. Trước khi Washington áp đặt trừng phạt Tehran, Iran có thể kiếm được tới 50 tỷ USD/năm từ doanh thu dầu mỏ.
Giới phân tích nhận định, động thái mới nhất của Mỹ có thực sự thành công hay không còn tùy thuộc vào việc các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc tuân thủ đầy đủ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran như thế nào. Cả ba nước này vốn là những khách hàng dầu mỏ lớn của Iran, khi nhập khẩu tổng cộng gần 1 triệu thùng/ngày. Đặc biệt, Trung Quốc chưa bao giờ tuân thủ triệt để các yêu cầu của Mỹ về việc từ bỏ mua dầu thô của Iran, đồng thời Bắc Kinh tái khẳng định quan hệ thương mại của mình với Tehran là hợp pháp. Tương tự, Hàn Quốc sẽ mất nhiều thời gian và gặp khó khăn để thay thế nguồn dầu nhập khẩu từ Iran cho ngành công nghiệp hóa dầu của nước này.
Động thái của Mỹ không chỉ tác động tới hoạt động xuất khẩu dầu của Iran mà còn ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. (Nguồn: AP)
Trong khi đó, Saudi Arabia và những thành viên khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng với Nga, lại đang theo đuổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng để tiếp tục kéo giá “vàng đen” lên. Riyadh thực tế đã giảm sản lượng nhiều hơn so với dự kiến, và trên lý thuyết, Saudi Arabia thừa khả năng đẩy mạnh sản xuất để bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran. Phó Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Foreign Reports, ông Matthew Reed, nhận định: “Quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt của Mỹ nhiều khả năng sẽ tác động tới thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC. Tổ chức này sẽ không thể tiếp tục giữ nguyên mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi đồng thời phải bù đắp cho lượng dầu từ Iran”. Iraq, một thành viên chủ chốt khác của OPEC, cho rằng các quốc gia không nên đưa ra quyết định đơn phương tăng sản lượng, đồng thời khuyến cáo tổ chức dầu mỏ này nên chờ tới cuộc họp toàn thể vào tháng Sáu tới để đưa ra quyết định.
Khi bị dồn đến "chân tường"
Ngay cả khi Saudi Arabia hoặc các nhà sản xuất lớn khác “mở van” để bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào từ Iran và giữ giá dầu mỏ ở mức ổn định, thị trường “vàng đen” sẽ vẫn chưa hết lo lắng. Đối với các nước tiêu thụ, không phải tất cả dầu mỏ đều giống nhau và không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất cùng loại dầu chất lượng mà Iran đang cung cấp, điều mà các nhà lọc hóa dầu rất cần.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột đang leo thang tại Libya làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này có thể gặp rủi ro. Tình hình sản xuất dầu mỏ tại Venezuela cũng không khả quan hơn khi sản lượng “vàng đen” của quốc gia Nam Mỹ này đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn quốc. Venezuela thậm chí sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn nữa khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro chuẩn bị có hiệu lực.
Những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia châu Âu và châu Á. Đức, Pháp và Anh đã thiết lập một cơ chế tài chính thay thế để có thể tiếp tục giao dịch với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ, cũng là quốc gia có thể bị tổn thương sau quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt của ôngTrump. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cố gắng tăng cường thương mại song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và Ankara cho biết họ đang cân nhắc xây dựng một hệ thống thay thế để né các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục trao đổi thương mại với Tehran.
Không thể phủ nhận những sức ép rất lớn mà Mỹ đã tạo ra đối với Iran, nhưng điều đó cũng sẽ đẩy Tehran vào “chân tường” và sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả. Quân đội Iran đã lên tiếng cảnh báo sẽ ngăn cản hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đi qua eo biển Hormuz, một tuyến đường vận tải dầu mỏ quan trọng tại vùng Vịnh, nếu Mỹ cố "bóp chẹt" nền kinh tế Iran bằng cách chặn xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Chuyên gia Suzanne Maloney tại Viện Nghiên cứu Brookings khẳng định: “Nếu bị dồn vào đường cùng, Iran sẽ tìm mọi cách để giảm nguồn cung dầu mỏ từ vùng Vịnh ra khỏi khu vực. Bên cạnh đó, Iran cũng có thể gây áp lực dầu mỏ đối với Iraq, hoặc nhắm vào các công ty năng lượng nước ngoài thông qua các cuộc tấn công mạng nhằm gây gián đoán thị trường để trả đũa quyết định của Mỹ. Sẽ có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn mà không ai có thể lên kế hoạch hoặc mong muốn nó xảy ra”.
Nguồn tin: baoquocte.vn