Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ ỡm ờ cắt giảm sản lượng, Nga lập tức sửa lưng

Úp mở khả năng giảm sản lượng cho thỏa thuận với OPEC +, Mỹ nhận lời cảnh báo của Nga. 

Thông tấn TASS hôm 8/4 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận về việc Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ giảm sản lượng dầu một cách tự nhiên theo diễn biến thị trường thay vì cắt giảm theo tác động từ Chính phủ giống như cách Nga và Saudi Arabia đang cam kết theo cơ chế OPEC +.


OPEC + sẽ thảo luận về việc "trói"Mỹ cắt giảm sản lượng theo cách nào?

Theo đó, ông Peskov cho rằng, việc giảm tự nhiên sản lượng dầu của Mỹ không thể được tính là cắt giảm nhằm ổn định thị trường.

"Đó là những cắt giảm khác nhau. So sánh tổng cầu giảm với cắt giảm sản lượng để ổn định thị trường toàn cầu, không khác nào so sánh giữa táo và cam" - ông Peskov trả lời khi được hỏi Nga có hài lòng với câu trả lời từ Mỹ hay không.

Trước câu hỏi về việc liệu Nga có yêu cầu sự tham gia bắt buộc của Mỹ vào các nỗ lực ổn định thị trường năng lượng hay không, ông Peskov chỉ nhấn mạnh rằng, tuyên bố của Mỹ về cắt giảm sản lượng và giảm sản lượng theo nhu cầu thị trường "là các quan điểm khác nhau", đồng thời cho rằng cần chờ đợi cuộc họp diễn ra vào ngày 9/4.

Thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, với quan điểm của Mỹ như vậy, đây cũng chính là lý do mà các chuyên gia sẽ cần trao đổi về quan điểm tại Hội nghị OPEC+ để tránh trường hợp có những quan điểm thay thế và hiểu sai lệch.

Hai nguồn tin của OPEC đã nói với TASS rằng, các quốc gia tham gia vào cơ chế OPEC + đang thảo luận về lựa chọn cắt giảm sản lượng dầu thô trong một thỏa thuận mới, có thể diễn ra từ tháng 5-7/2020.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô cũ đã hết hạn vào ngày 31/3 sau khi Nga- Saudi Arabia không thống nhất được mức giảm mới trong bối cảnh khó đoán của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Sau khi Nga từ chối mức sản lượng mà Riyadh đưa ra, Saudi Arabia đã phát động cuộc chiến giá dầu bằng cách tuyên bố tăng sản lượng và giảm giá bán. Theo nhiều nhà quan sát, đây là nỗ lực âm thầm từ cả Moscow và Riyadh nhằm ép buộc dầu đá phiến Mỹ phải "bị trói" vào một cơ chế chung với các nhân vật khác của ngành dầu mỏ.

Quả thực là ban đầu, Washington đã nỗ lực con thoi để 2 ông lớn chịu ngồi lại với nhau. Saudi Arabia đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của tổ chức OPEC và các nước bên ngoài theo cơ chế OPEC +. Cuộc họp đã định tổ chức vào ngày 6/4, tuy nhiên trước đó 1 ngày, Nga và Saudi Arabia bắt đầu "khẩu chiến".

Bắt đầu từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin bình luận về thị trường năng lượng trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất dầu lớn của Nga hôm 3/4. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, giá dầu giảm do đại dịch COVID-19 nhưng cũng có lý do quan trọng không kém là do các nước sản xuất dầu rút khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đồng thời tăng sản lượng trong nước và sẵn sàng giảm giá bán dầu.

Tuyên bố ám chỉ đổ lỗi cho Saudi Arabia gây ra cuộc chiến và lôi kéo các đồng minh trong OPEC thực hiện theo để kéo tụt giá dầu trên thị trường. Đây cũng như sự thách đấu với các nhà sản xuất trên thế giới thông qua cuộc chiến giá cả, đặc biệt là nhằm vào dầu đá phiến Mỹ.

Ông Putin nói rằng Moscow sẵn sàng hỗ trợ cắt giảm tới 10 triệu thùng mỗi ngày, nếu những người chơi khác cũng tham gia vào tiến độ cắt giảm sản lượng.

Sau đó, Saudi Arabia phủ nhận họ đã khai chiến giá dầu nhằm "triệt hạ" ngành dầu đá phiến của Mỹ. Riyadh đồng thời đổ lỗi cho Nga không thống nhất được một thỏa thuận chung về cắt giảm sản lượng.

Tranh cãi ngay giờ chót cuối cùng đã là một lý do để khiến cuộc họp của OPEC + không thể diễn ra đúng lịch. Tín hiệu thị trường lại lao dốc sau tin tức OPEC + hoãn họp và thúc đẩy phản ứng có phần xoa dịu từ nhà lãnh đạo Mỹ rằng Washington có thể cân nhắc đến kịch bản cắt giảm sản lượng. Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 6/4 cho rằng Nga và Saudi Arabia thiệt hại nhiều hơn trong cuộc chiến này và Mỹ có thể sẽ tính tới việc can thiệp vào sản lượng sản xuất nếu giá dầu vẫn tiếp tục ở mức thấp hiện tại.

Đến ngày 7/4 (giờ Mỹ), Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố họ sẽ để việc cắt giảm sản lượng diễn ra theo diễn biến thị trường. Tuyên bố này đưa tình hình trở về thời điểm bắt đầu cuộc chiến và giá dầu đã tiếp tục lao dốc.

Liệu ông Trump và các nhà lãnh đạo Nga, quan chức Saudi Arabia đã thực sự có một thỏa thuận ngầm về cơ chế để trói buộc Mỹ vào OPEC+? Điều này vẫn cần phải chờ diễn biến từ cuộc họp khẩn đã bị trì hoãn 1 lần của OPEC và đối tác bên ngoài tổ chức sẽ diễn ra vào hôm nay (ngày 9/4).

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM