Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ mua một lượng dầu kỷ lục từ Nga

Trong nửa năm qua, Hoa Kỳ đã nhận từ Nga hơn chín triệu tấn sản phẩm dầu - một kỷ lục tuyệt đối kể từ năm 2004. Đồng thời, Washington vẫn cố ngăn chặn Nga hoàn thành đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 để châu Âu không lệ thuộc năng lượng vào Nga.

Trong khi đó Mỹ lại phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Thông tin chi tiết trong tài liệu của Sputnik.

Xuất khẩu đạt kỷ lục

Từ tháng 1 đến tháng 7, Nga kiếm được 2,2 tỷ USD từ việc bán các sản phẩm dầu mỏ cho Hoa Kỳ, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga. Hơn 7,46 triệu tấn chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu đã được vận chuyển đến phía bên kia của đại dương. Chỉ có Hà Lan mua nhiều hơn - 12,19 triệu tấn, Mỹ đứng thứ hai và Malta đứng thứ ba với 4,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, Hà Lan và Malta là hai trung tâm trung chuyển, từ đó các sản phẩm dầu mỏ được gửi đến các nước khác. Tức là, trên thực tế, lượng dầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể còn lớn hơn, vì Cơ quan Hải quan Nga không tính đến những đợt cung cấp đó.

Chứng tỏ về điều đó là dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 68 triệu thùng dầu từ Nga, tương đương 9,3 triệu tấn. Con số này là cao hơn số liệu của Cơ quan Hải quan Nga trong sáu tháng đầu năm nay, bởi vì EIA ghi lại nhà sản xuất chứ không phải quốc gia gửi hàng.

Ngoài ra, trong tháng Bảy, lượng dầu mazut mà Mỹ mua từ Nga đã tăng thêm 16% so với tháng Sáu.

Không có gì để thay thế

Vấn đề là ở chỗ: Mỹ đã tự mình chặt đứt thị trường dầu nặng khi cấm nhập khẩu dầu từ Venezuela, mà nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ được thiết kế để lọc các loại dầu nặng chứ không phải dầu nhẹ như dầu từ lưu vực Permi và Tây Texas. Dầu nhẹ phải được pha loãng với dầu nặng từ Nam Mỹ. Nhưng, Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, và các nhà máy lọc dầu Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nguyên liệu.

Các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico và Bờ Đông, bao gồm Citgo Petroleum, Valero Energy, Chevron đã lâm vào tình thế khó khăn nhất.

Một lựa chọn thay thế có thể là dầu thô từ Ả Rập Xê Út, loại dầu mỏ có thành phần hóa học giống như dầu mỏ Venezuela, nhưng Ả Rập Xê Út từ chối tăng sản lượng. Kết quả là nền kinh tế đã gạt chính trị sang một bên - Mỹ phải quay sang Nga.

Alexander Duzhnikov, người đồng sáng lập Tập đoàn “A3F GROUP”, xác nhận: "Các sự kiện địa chính trị gần đây trên thế giới đã phân chia lại thị trường dầu mỏ có lợi cho Nga, bởi vì Hoa Kỳ đã từ chối nhập khẩu dầu mỏ từ hai quốc gia và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với họ. Kết quả là dầu Urals trở thành loại dầu nặng duy nhất mà Mỹ có thể mua”.

Alexander Razuvaev, người đứng đầu Trung tâm phân tích - thông tin “Alpari”, nhận xét: “Washington vẫn cố ngăn chặn Gazprom hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tuy nhiên, điều này không cản trở sự hợp tác nếu các lợi ích kinh tế trùng khớp với nhau”.

Ngoài các đặc tính phù hợp, nguyên liệu thô của Nga còn có mức giá hấp dẫn. Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm nay, dầu Urals được báo giá trung bình 40,34 USD/thùng, còn trong 7 tháng đầu năm ngoái là 65,27 USD/thùng.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển đã giảm đáng kể. Và sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa, mức tiêu thụ nhiên liệu đã tăng lên - mọi người bắt đầu đi du lịch và đi máy bay nhiều hơn.

Do giá dầu sụt giảm, số giàn khoan ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Đường ống Dakota Access đã bị đóng cửa do vi phạm luật môi trường.

Ngành đang đối mặt với khủng hoảng

Sản lượng giảm từ mức đỉnh 13,1 thùng/ngày xuống còn 11,1 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, điều này ảnh hưởng đến các lưu vực đá phiến có năng suất cao nhất ở Mỹ - Permi, Eagle-Ford, Bakken, Niobrom, Anadarko, Appalachia và Haynesville. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố vào ngày 11/8, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ xuống còn 11.26 triệu thùng/ngày trong năm nay, và vào năm 2021 - 11,14 thùng/ngày. EIA dự đoán, vào tháng 12 năm nay, chính Hoa Kỳ sẽ đóng góp lớn nhất vào việc giảm nguồn cung dầu thế giới.

Theo số liệu của công ty luật Haynes & Boone, kể từ tháng Giêng, 36 công ty dầu khí với tổng số nợ khoảng 25,2 tỷ USD đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong số đó có Whiting Petroleum, một trong những nhà sản xuất đá phiến lớn nhất của Mỹ, cũng như California Resources và công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy. Vào tháng 6, một nhà sản xuất lớn khác, Extraction Oil & Gas, không trả nợ đúng hạn và đã nộp đơn xin phá sản.

Rystad Energy ước tính rằng, vào cuối năm nay, gần một trăm rưỡi công ty dầu khí của Mỹ sẽ phải tuyên bố phá sản do vỡ nợ. Sản lượng dầu đá phiến có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 5 triệu thùng/ngày. Và theo ước tính của ShaleProfile Analytics, ngành này có thế mất tới một phần ba năng lực sản xuất.

Nguồn tin: petrotimes.vn

 

ĐỌC THÊM