Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ mở đường cho Iraq mua khí đốt Iran

Iraq có thể tiếp tục mua khí đốt của Iran trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang. 

Times of Israel mới đây đã dẫn các nguồn tin cao cấp tại Iraq tiết lộ trong điều kiện giấu tên cho biết, Mỹ đã gia hạn các miễn trừ trừng phạt Iran đối với Iraq, tạo điều kiện cho quốc gia này tiếp tục mua các sản phẩm năng lượng từ Iran, trong đó có khí đốt.


Iraq lại được mua khí đốt Iran, miễn trừ trừng phạt của Mỹ. Ảnh minh họa: AP

Các nguồn tin cho biết, Washington đã sử dụng đe dọa trừng phạt làm đòn bẩy để thúc đẩy chính phủ Iraq xây dựng nguồn cung cấp điện trong nước và giảm sự phụ thuộc vào mua nhiên liệu sản xuất điện từ Iran.

Mối đe dọa của các lệnh trừng phạt đã đưa ra cho các quan chức Iraq một lựa chọn khó khăn: chấm dứt một nguồn điện quan trọng hoặc bị từ chối tiếp cận với tiền tệ của Mỹ. Iraq có hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York. Dầu chiếm 90% doanh thu của Iraq và liệu họ có sẵn sàng tiếp cận gần hơn tới Iran và từ bỏ số tiền như vậy nếu tiếp tục căng thẳng với Mỹ?

Căng thẳng giữa Mỹ và Iraq liên quan đến vụ Washington thực hiện vụ tấn công sát hại Tướng Iran Qasem Soleimani tại sân bay ở Baghdad đã thôi thúc Chính phủ Iraq muốn quân đội Mỹ rút khỏi các căn cứ.

Điều này đã dẫn tới việc các phe phái trong Quốc hội Iraq quyết định chọn lựa một Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi sắp mãn nhiệm. Ông Mohammed Allawi đã được chỉ định và được cho là có quan điểm ôn hòa có thể phù hợp trong tình huống này.

Nội các của ông Allawi cũng đã có động thái xoa dịu các điều kiện của Mỹ trong việc gia hạn miễn trừ trừng phạt bằng cách phê duyệt nhanh chóng 6 hợp đồng dầu mỏ, thúc đẩy phát triển ngành khí đốt của nước này. Chính phủ Iraq cũng đã phê duyệt các hợp đồng có thể sản xuất hơn 750 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày trong 36 tháng.

Những nỗ lực thúc đẩy ngành khai thác khí đốt và sản xuất điện trong nước được phía Mỹ đánh giá là "đã chứng minh được rằng nước này đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để có thể tự chủ hơn trong việc tự cung ứng năng lượng, tiến tới giảm bớt phụ thuộc vào Iran".

Điều này cho phép Washington tiếp tục gia hạn các lệnh miễn trừ trừng phạt Iran. Hiện chưa rõ lệnh miễn trừ được gia hạn này sẽ kéo dài bao lâu. Một trong hai quan chức trên cho biết lần gia hạn mới nhất này sẽ kéo dài 120 ngày.

Trước đó, Mỹ đã nhiều lần gia hạn miễn trừ trừng phạt, cho phép Iraq nhập khẩu năng lượng từ Iran để phục vụ mạng lưới điện trong các thời hạn 90 và 120 ngày. Giải thích về quyết định này, Mỹ cho rằng Iraq là một quốc gia giàu dầu mỏ, đồng thời là nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do đó nước này cần tiến tới tự cung cấp năng lượng như một điều kiện để được miễn trừ khi nhập khẩu năng lượng từ Iran.

Iraq đã từng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Iran để sản xuất điện, đặc biệt là khi nhu cầu tăng cao vào những tháng mùa Hè, nhập khẩu khí đốt chiếm một phần ba lượng tiêu thụ. Baghdad đã thanh toán chậm cho khí đốt từ Iraq và gây nên sự gián đoạn giao hàng trong những năm gần đây.

Gia hạn miễn trừ trừng phạt của Mỹ giúp Iraq tiếp tục trả hàng tỷ USD để nhập khẩu khí đốt từ Iran, đồng thời càng giúp Iran đưa khí đốt tỏa ra Trung Đông.

Iran đã phát triển các đường ống khí đốt với Cộng hòa tự trị Nakhichevan (Armenia), Azerbaijan và Turkmenistan. Đồng thời cũng dẫn đường ống khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ tới các thành viên châu Âu.


Iran mở đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu.

Tehran đã tích cực mở rộng thị trường quốc tế, tuyên bố mình là một thành viên mới trong thị trường gas Á – Âu. Với trữ lượng khí lớn thứ hai trên thế giới, sự xuất hiện mạnh mẽ của Iran hứa hẹn sẽ ảnh hưởng lớn đến bản đồ năng lượng tại khu vực này.

Là nhà cung cấp khí đốt truyền thống, Nga cũng như các nước xuất khẩu khí khác tại Caspi có lý do để quan ngại về một đối thủ cạnh tranh mới. Tuy nhiên, do cùng hướng đến một lợi ích chung, Moscow và Tehran đã cùng hợp tác trong dự án đường ống xuyên Afghanistan.

Iran xác định lợi ích vận tải năng lượng bao gồm 3 yếu tố: Một là, về chính trị – kinh tế, giúp Iran gia tăng tầm ảnh hưởng và trở thành một trung tâm vận tải năng lượng khu vực; Hai là, góp phần củng cố và mở rộng thị trường năng lượng của Iran; Ba là, mang lại nguồn lợi về tài chính, góp phần đảm bảo an ninh xuất khẩu dầu khí và nguồn cung cấp điện thường xuyên cho nhà máy lọc dầu phía bắc của Iran.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM