Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ lên ngôi vua dầu mỏ vẫn phải quỵ lụy Nga?

Lần đầu tiên trong 70 năm qua, Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu mỏ sau khi đã chiếm vị trí nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Mỹ là vua dầu mỏ

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 29/11, xuất khẩu dầu hàng tháng của Mỹ trong tháng 9 đã vượt mức nhập khẩu 89.000 thùng/ngày, qua đó lần đầu tiên đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ tính theo tháng kể từ khi bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1949.

Theo thống kê, xuất khẩu dầu của Mỹ trong tháng 9 vừa qua đã tăng 18% so với một năm trước, lên khoảng 8,76 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu dầu của nước này giảm 12% xuống còn khoảng 8,67 triệu thùng/ngày.

EIA dự đoán xu hướng trên sẽ tiếp tục và Mỹ sẽ là quốc gia xuất khẩu ròng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ vào năm 2020.

Vai trò ngày càng tăng của Mỹ với tư cách là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá đối với “vàng đen”. Trong năm 2018, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.


Mỹ đang là vua dầu mỏ

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh Mỹ có được sự bùng nổ của sản lượng dầu mỏ trong nước, mạng lưới phức tạp của những mối quan tâm chính trị và thương mại vốn định hình chính sách năng lượng trong nhiều thập kỷ của Washington tại Trung Đông và xa hơn đang thay đổi.

Chỉ mới 2 năm trước, Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi Arabia Khalid al-Falih đã có phát biểu mang tính khiêu khích, trong đó cảnh báo những người điều hành ngành đá phiến của Mỹ rằng OPEC sẽ không hỗ trợ miễn phí cho nỗ lực của Mỹ nhằm cân bằng cung và cầu dầu mỏ trên thế giới.

Nhưng đây có vẻ là một lời đe dọa trống rỗng, đồng thời phản ánh cách mà OPEC vật lộn để đối phó với sự trỗi dậy trong sản xuất năng lượng của Mỹ.

Có một sự kiện đáng chú ý diễn ra hồi tháng 3 năm nay ở Mỹ là hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston lần đầu tiên do một vị Ngoại trưởng đương nhiệm Mỹ “chủ trì”.

Ông Mike Pompeo không chỉ có bài phát biểu đáng chú ý mà còn còn tổ chức một cuộc họp kín với các lãnh đạo dầu mỏ, chiêu đãi thân mật một nhóm tại nhà hàng Mexico Pappasito’s Cantina tại Khách sạn Hilton Americas nơi hội nghị diễn ra.


Sức mạnh dầu mỏ giúp Mỹ tự tin hơn trong các cuộc đối đầu?

Ông Vicki Hollub, Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu mỏ Occidental, là một trong những bên thắng lớn từ sự phát triển của ngành xuất khẩu đá phiến Mỹ, nói: “Tôi chưa quen với việc này, nhưng tôi nghĩ nó thật tuyệt”.

Trong một cuộc họp kín, ông Pompeo và cố vấn năng lượng của ông là Frank Fannon đã thảo luận với các lãnh đạo công ty dầu mỏ lớn, bao gồm Royal Dutch Shell, BP plc, Occodental và Chevron.

Theo các nguồn thạo tin, ông Pompeo đã nói về cách mà chính phủ Mỹ và các công ty năng lượng hàng đầu có thể hợp tác cùng nhau để khuyến khích các đồng minh của Mỹ mua thêm dầu từ họ.

Lợi thế đặc biệt của Nga

Sarah Ladislaw, chuyên gia phân tích chính sách năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: “Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ cảm thấy tự tin hơn nhiều với sản lượng dầu và khí đốt của họ cũng như sự hỗ trợ và hợp tác mà họ cảm nhận từ phía Saudi Arabia”.

Theo bà, sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Washington đã bắt đầu làm thay đổi chính sách dầu mỏ của các đồng minh cũng như các đối thủ của họ trên khắp thế giới.

Ví dụ, hồi tháng 9/2018, Saudi Arabia và Nga đã phải thông báo với Mỹ trước khi nói với các đồng minh OPEC khi họ đạt được một thỏa thuận nhằm thúc đẩy sản lượng ngay trước lúc các lệnh trừng phạt Iran được chính thức nối lại.

Ngoài Trung Đông, chính quyền của Tổng thống Trump còn hy vọng sử dụng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu để cạnh tranh với dự án đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2 vốn dẫn khí đốt từ Nga.

Theo đó, Đức hồi tháng 2 vừa qua cho biết đang cân nhắc xây dựng hai trạm LNG để nhập khẩu từ Mỹ sau khi chịu sức ép từ Washington phải đa dạng nguồn cung với lời đe dọa của ông Trump rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án “tệ hại” có thể khiến Berlin phải phục thuộc nhiều hơn vào Nga.

Phát biểu tại hội nghị năng lượng CERAWeek Ngoại trưởng Mỹ Mike Popmpeo từng khẳng định: “Chúng tôi không muốn các đồng minh châu Âu phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cũng như bản thân chúng tôi không muốn phụ thuộc và nguồn cung dầu mỏ từ Venezuela”.

Trong khi đó, Mike Sommers, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp Hãng Dầu mỏ Mỹ của Mỹ, phát biểu tại hội nghị: “OPEC đã trở thành một nhân tố kém quan trọng hơn bởi Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế số 1 thế giới”.

OPEC đã đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Mỹ bằng cách thúc đẩy một liên minh với Nga và các nước sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC. Suzanna Maloney, Phó giám đốc chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định: “Vấn đề quan trọng nhất của OPEC hiện nay là họ có thể vươn tới đâu ngoài tổ chức của mình, theo đó Nga hay nơi nào khác có thể được hợp thức hóa và duy trì lâu dài”.

Chủ tịch tập đoàn Rosneft khổng lồ của Nga Igor Sechin đã bày tỏ ủng hộ việc chấm dứt cắt giảm sản lượng với niềm tin rằng quân bài của OPEC nằm ở lĩnh vực đá phiến vì có trợ giá.

Trong khi đó, Saidu Muhammad, Giám đốc điều hành phụ trách khí đốt và điện tại Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Nigeria, nhận định: “OPEC biết họ không thể làm điều đó một mình. Để đẩy con lắc từ trái sang phải trong vấn đề sản xuất và đạt được cái giá mà mình mong muốn, các bạn vẫn cần các nhà sản xuất khác. Hiện nay là Nga, và sau này, tôi tin là sẽ có cả Mỹ”.

Tuy nhiên, dù soán ngôi vua dầu mỏ, Mỹ vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài, trong đó có Nga.

Điển hình là hồi tháng 5 vừa qua, chỉ trong nửa tháng này, các công ty của Mỹ đã phải mua 5 triệu thùng dầu Urals - một khối lượng tương đương với tổng lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang Mỹ trong 4 tháng trước đó. Diễn biến này bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng do Washington áp dụng lệnh trừng phạt đối với Venezuela.

Theo các nhà chuyên môn, nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ - đặc biệt là ở Bờ Đông và Vịnh Mexico - tập trung vào việc tinh chế dầu thô nặng, trước đó chủ yếu đến từ Venezuela.

Người Mỹ tự mình đã chặn kênh này sau khi lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực vào ngày 28/4 và chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Venezuela. Tất cả những “tay chơi” quan trọng trong ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ nhw Citgo Oil, Valero Energy và Chevron đều bị ảnh hưởng.

Các nhà máy lọc dầu châu Âu sử dụng các loại dầu nặng cũng phải khẩn trương tìm kiếm sự thay thế. Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 4/2019, do không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ của Iran và Venezuela, những người mua dầu châu Âu đã thực sự phải “tranh giành” dầu Urals của Nga.

Reuters dẫn lời một thương nhân dầu mỏ châu Âu cho biết “tất cả các nhà máy lọc dầu đang tìm kiếm dầu Urals hoặc sản phẩm tương đương”.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM