Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách chia rẽ tổ chức dầu mỏ OPEC.
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường năng lượng cho rằng, Washington đang xem xét các cáo buộc pháp lý nhằm chống lại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với lý do thao túng thị trường năng lượng.
Mỹ đang muốn thay đổi OPEC?
Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng 7 vừa qua đã thông qua Dự luật về sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) được cho là nhằm chấm dứt nỗ lực của OPEC và Nga thao túng thị trường dầu mỏ thế giới.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu thị trường năng lượng toàn cầu tại Công ty dịch vụ tài chính Barclays (Anh), Dự luật NOPEC sẽ cho phép Washington thu hồi quyền miễn trừ chủ quyền của các thành viên nhóm OPEC.
Dự luật này sẽ quy "hành động hạn chế việc sản xuất hoặc phân phối dầu, khí thiên nhiên, hoặc bất kỳ sản phẩm dầu mỏ nào khác, để thiết lập hoặc duy trì giá dầu, khí tự nhiên hoặc bất kỳ sản phẩm dầu mỏ nào; thương mại dầu mỏ, khí tự nhiên, hoặc bất kỳ sản phẩm dầu mỏ nào" là "bất hợp pháp".
Nếu dự luật này được thông qua các cửa cuối cùng, Tổng chưởng lý Mỹ có thể nộp đơn kiện lên OPEC hoặc các thành viên được đề cập.
Dự luật vốn được các đời Tổng thống Mỹ trước phủ quyết nhưng có lẽ sẽ sớm được ông Trump ủng hộ.
Sự thay đổi của ông Trump
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, người đồng tài trợ cho dự luật NOPEC cho biết: "Trong gần hai thập kỷ qua, OPEC đã nỗ lực kiểm soát việc cung-cầu trên thị trường dầu, dẫn đến việc tăng giá với người tiêu dùng.
Gần đây nhất, OPEC và các đồng minh bên ngoài OPEC - trong đó có Nga – đã cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày.
Điều đó đã tạo ra sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ thế giới, đẩy giá dầu lên hơn 80 USD/thùng vào đầu hè. Người tiêu dùng Mỹ trở thành túi tiền của OPEC. Đó là lý do tôi phải tìm cách cắt bỏ cái thòng lọng của OPEC với người tiêu dùng Mỹ".
Rõ ràng, Tổng thống Trump ngày càng không hài lòng với OPEC, khi nhiều lần lên tiếng bất mãn, cáo buộc định chế này cố tình thao túng thị trường dầu mỏ, để đẩy giá dầu lên cao.
Ông Trump viết dòng tweet ngày 20/4: "Với trữ lượng và khả năng khai thác của thế giới, giá dầu hiện rất cao! Không tốt và không thể chấp nhận!".
Tháng 5, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật NOPEC.
Ngày 13/6, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo tiếp: “Có vẻ như OPEC lại đang làm điều đó một lần nữa”.
Đầu tháng 7, ông Trump lại chỉ trích mạng mẽ các cường quốc dầu mỏ: "Độc quyền OPEC phải nhớ rằng giá dầu tăng cao nhưng họ lại dửng dưng. Họ quyết làm lợi trong khi Mỹ bảo vệ họ. Cần phải có qua có lại. Phải giảm giá ngay".
Cuối tháng 7, Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật này.
Mới đây, giữa lúc căng thẳng tại Saudi Arabia liên quan đến vụ sát hại nhà báo bên trong Đại sứ quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump đã nhiệt liệt ca ngợi Chính phủ Saudi Arabia là quốc gia nỗ lực giúp Mỹ định hình giá dầu thế giới.
Phản ứng của ông Trump về quan hệ với Saudi không đơn thuần chỉ là cứu cánh cho hợp đồng vũ khí hơn 110 tỷ USD mà còn vì những lợi ích khác mà Washington có được từ nhà sản xuất dầu mỏ đứng đầu OPEC này.
Giữa lúc Nga và Saudi Arabia bắt tay giảm sản lượng dầu để nâng giá vàng đen thế giới lên cao, Mỹ đã khiến thành viên quan trọng nhất của OPEC, tăng sản lượng dầu lên thêm 2.000.000 thùng.
Ông Donald Trump rõ ràng là thích chi phối Saudi Arabia một mình đơn phương hơn là tìm cách để đối đầu với cả khối OPEC.
Ellen Wald, một chuyên gia năng lượng và Chủ tịch của Transversal Consulting, cho biết căng thẳng của Mỹ-OPEC là "một phản ánh chính sách Iran của ông Trump" được hỗ trợ bởi Ả rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác. Khi các lệnh trừng phạt nhắm vào dầu mỏ quay được áp trở lại lên Iran, Mỹ “đang nỗ lực loại bỏ dầu của Iran khỏi thị trường toàn cầu và, khi làm như vậy, đã đẩy giá lên”.
“Trong tâm trí của ông Trump, việc OPEC và Ả rập Saudi nhìn nhận thị trường toàn dầu cầu đang trong tình trang 'cung cấp tốt' là không chính xác", bà Wald nói với The National. "Ông ấy muốn OPEC làm bất cứ điều gì nó có để đẩy giá dầu xuống."
OPEC sẽ chịu thua?
Bloomberg cho rằng OPEC không dễ dàng chấp nhận NOPEC, bởi nhóm pháp lý của tổ chức này đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận với công ty luật White & Case LLP ở thủ đô Vienna của Áo, nhằm tìm cách xây dựng một chiến lược đối phó với NOPEC.
Các nước xuất khẩu dầu, cả OPEC và không thuộc OPEC cũng sẽ gặp nhau tại Vienna trong bối cảnh thị trường năng lượng phần lớn dự đoán liên minh này sẽ thống nhất một đợt cắt giảm nguồn cung mới.
Nhưng ngay trước cuộc họp được mong đợi này, Qatar đột ngột thông báo rằng họ sẽ rút khỏi nhóm từ ngày 1/1/2019, kết thúc thời gian làm thành viên kéo dài hơn nửa thế kỉ.
Khi giải thích quyết định rời khỏi OPEC của nước này, Tân Bộ trưởng Năng lượng của Qatar Saad al-Kaabi cho biết rằng Doha không có "tiềm năng lớn" về dầu mỏ và vì vậy sẽ tập trung nỗ lực vào sản xuất khí thay thế.
Trong khi Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu thô ít nhất của OPEC, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia sản xuất hàng đầu như Saudi Arabia, đây lại là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Tamas Varga - nhà phân tích cao cấp của PVM Oil Associates cho biết: "Sản lượng dầu khoảng 600.000 thùng/ngày nghe có vẻ không đáng kể nhưng quyết định rời OPEC có thể làm suy yếu ảnh hưởng của tổ chức trong việc quản lý nguồn cung dầu toàn cầu".
Sự chia rẽ trong khối OPEC vì quyết định rời tổ chức của Qatar chỉ là phỏng đoán nhưng nếu đặt trong bối cảnh Washington đang chuẩn bị các bước đi mạnh mẽ nhằm và tổ chức ở Trung Đông này thì đó cũng có thể là kịch bản sẽ đến trong tương lai.
Nguồn tin: baodatviet.vn