Bị phương Tây cấm vận đúng lúc giá dầu tụt thê thảm, Nga khốn đốn trong suốt hai năm qua nhưng giờ đang đứng trước cơ hội trở lại mạnh mẽ sau quyết định giảm sản lượng để đẩy giá dầu tăng của OPEC ngày hôm qua.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (giữa) tại cuộc họp với các thành viên OPEC tại Algeria ngày 28/9
Trong cuộc họp không chính thức bên lề Diễn đàn Năng lượng quốc tế thứ XV, bất chấp sự hoài nghi trước đó của cả bên trong lẫn bên ngoài khối, các nước OPEC đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu xuống còn khoảng 32,5 – 33 triệu thùng/ngày.
Được biết, OPEC sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để quyết định mức giảm cụ thể của mỗi nước. "Các đề xuất cuối cùng phải được xây dựng trước cuộc họp của OPEC trong tháng 11 - Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết - Chúng tôi quyết định cắt giảm sản lượng 700.000 thùng mỗi ngày nhưng Iran sẽ không đóng băng sản xuất".
Trên nền những thông tin tức cực này, giá dầu lập tức tăng 5%.
Thỏa thuận lịch sử
Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar, Muhammed Bin Saleh Al-Sada, chủ tịch OPEC, nói đây là "thỏa thuận lịch sử, mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường".
Ngay trước Diễn đàn, các đại biểu đã không mong đợi sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trong OPEC, nhưng Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Eulogio del Pino vẫn không loại trừ rằng một sự đồng thuận có thể được tìm thấy. Cuộc họp OPEC kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ, đã diễn ra mà không mời Nga, vì Nga không phải là thành viên của khối.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, nếu OPEC đạt được sự đồng thuận và sẽ tổ chức một cuộc họp với các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC thì Nga sẽ tham gia.
Iran sẽ không đóng băng sản xuất
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran thông báo nước này sẽ giảm 700 nghìn thùng/ngày, nhưng để hạ được mức trần xuống 32,5-33 triệu thùng/ngày thì phải có sự phân bổ hạn mức giảm hợp lý trong toàn khối. Ông cũng nói thỏa thuận sơ bộ mà OPEC vừa đạt được là “món quà bất ngờ” cho thị trường dầu mỏ nhưng phải chờ đến cuộc họp chính thức tháng 11 thì mới có thể đánh giá tình hình.
Riêng Iran, dù tham gia cắt giảm nhưng sẽ không đóng băng khai thác, vì mới thoát cấm vận, cần phục hồi sản xuất, Bộ trưởng Zanganeh cho biết. Hạn mức mà IRAN được phép khai thác sẽ được xác định trong cuộc họp OPEC tháng 11, theo ông Zanganeh.
Về câu hỏi “OPEC sẽ đóng băng bao lâu?”, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq al-Laibi nói rằng các thành viên OPEC đã dự tính sơ bộ là từ sáu tháng đến một năm, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong cuộc họp tháng 11.
3 ngày ở Alger
Diễn đàn Năng lượng quốc tế (26-28/9) đã thu hút hàng trăm nhà báo từ nhiều nước. Các Bộ trưởng Năng lượng Nga, UAE và Venezuela được “săn” nhiều nhất. Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cũng rất tích cực giao tiếp với báo giới.
Dù lịch làm việc ở Alger dày đặc, Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak vẫn có những cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp Arập Xê út, Iran, Venezuela, Qatar và nhiều nước khác, cũng như với TTK OPEC, để bàn về các biện pháp ổn định thị trường. Ông cho biết ông đồng ký với ngoại lệ không đóng băng của Iran (do mới thoát cấm vận), cũng như Libya và Nigeria (vì chiến sự và tình hình chính trị bất ổn). Người đồng cấp Arập Xéut cũng có cùng quan điểm. Iran hứa sau khi đạt mức khai thác trước cấm vận (4 triệu thùng/ngày) sẽ sẵn sàng tham gia ổn định thị trường cùng cộng đồng dầu mỏ.
Thở phào lần 2
Đề tài đóng băng lần này là hơi thở thứ hai sau lần TT Nga Putin tuyên bố đã thỏa thuận với OPEC về hạn chế sản lượng. Ông Putin cũng kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến này. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Nga và Arập Xê út, hai nước chiếm 21% tổng sản lượng dầu thế giới, đã ký tuyên bố chung về các biện pháp ổn định thị trường dầu.
Bộ trưởng Novak cho biết thỏa thuận lần này ở Alger có thể đẩy nhanh quá trình cân bằng cung-cầu trong khoảng 3-6 tháng, nhưng về dài hạn, tất cả phụ thuộc vào sự đồng thuận trong nội bộ OPEC và sự tham gia của Iran vào quá trình bình ổn thị trường.
Dù sao thì thành công bước đầu ở Alger cũng mở cơ hội khả quan cho Hội nghị OPEC tháng 11 tại Vienna đạt được những kết quả tốt đẹp.
Nguồn tin: Petrotimes