Mỹ không kiềm giá dầu xuống dưới ngưỡng 50USD/thùng quá lâu. Trong thời gian tới, giá dầu chỉ biến động quanh ngưỡng 50-60 USD/thùng.
Mỹ đang có các động thái liên tiếp tăng khai thác sản lượng, tăng dự trữ dầu tới mức kỷ lục khiến giá dầu giảm sâu, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của Nga và các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Bình luận về động thái này của Mỹ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc Mỹ gia tăng lượng dự trữ dầu, gián tiếp kéo giá dầu xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là sau các chính sách kinh tế mới của Tổng thống Donald Trump hướng tới tăng trưởng sức mạnh nền kinh tế nội địa mang tính dân tộc chủ nghĩa. Trong thực tế, đầu tư của Mỹ và của một số tập đoàn lớn vào Mỹ đã tăng lên làm khả năng tạo công ăn việc làm cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế Mỹ tăng lên, tác động rất quan trọng cho sức khỏe nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Mỹ tăng dự trữ dầu kỷ lục nhằm hạ đà tăng của giá dầu.
Thứ hai, trong thời gian giá dầu rất rẻ vừa qua, Mỹ đã tranh thủ nâng mức trữ dầu lên mức rất lớn. Không chỉ Mỹ mà còn cả Trung Quốc và các quốc gia khác cũng lợi dụng tình hình này để tăng dự trữ. Khi đó, lượng cầu về dầu của nước Mỹ sẽ không còn nhiều nữa.
Thứ ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng giá trị đồng USD bằng cách nâng lãi suất. Có thể trong thời gian tới, Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD và dự báo kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đối với các nhà đầu tư trên thế giới, một khi đồng USD dùng trong thanh toán dầu mỏ lên giá thì giá dầu sẽ bị kìm lại.
Thứ tư, việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước khác ngoài tổ chức như Nga là rất lớn và tác động đến giá dầu trên thế giới cũng đáng kể nhưng đi cùng với đó, ngành khai thác dầu của Mỹ cũng vượt qua ngưỡng bình quân và đã có thể có lãi. Do đó, ngành khai thác dầu của Mỹ trong khoảng 8 tháng gần đây đã có thể gia tăng các giếng dầu mới đồng thời gia tăng lượng dầu nhiều hơn cho nước Mỹ.
Viễn cảnh Nga và OPEC
Theo vị chuyên gia, không phải tự nhiên mà hàng loạt các yếu tố ảnh hưởng tới giá dầu cùng một lúc được Chính phủ Mỹ đưa ra. Fed dự báo tăng trưởng kinh tế, tăng lãi suất đồng USD trong tháng 4/2017, thông tin về việc các mỏ dầu Mỹ tăng sản lượng khai thác và mở rộng các giếng dầu mới cũng như thông tin về lượng dự trữ Mỹ tăng lên kỷ lục.. đều là những tác động nhằm giảm đà tăng của giá dầu trên thị trường hiện nay sau khi Nga và OPEC thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Có thể thấy rõ, nếu mức giá dầu ở mức rất cao, khoảng 100-150USD/thùng như trước đây thì nền kinh tế Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, nước Mỹ đương nhiên vẫn mong muốn giá dầu rẻ và ổn định hơn để hỗ trợ cho đà tăng trưởng của nền sản xuất trong nước. Vậy điều này ảnh hưởng tới các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga, OPEC thế nào?
''Thực tế, nếu giá dầu ở mức 50USD/thùng, ngành khai thác ở các nước xuất khẩu dầu này cũng đã có lãi. Đối với ngành khai thác dầu mỏ Nga, ngưỡng 50USD/thùng dầu cũng đã sinh lời và nếu thấp hơn cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc sản xuất. Chính phủ Nga vẫn ổn định giá dầu và dự báo dầu ở mức 40-45USD/thùng trong năm 2017-2018 để tiếp tục tăng trưởng. Do đó, mức dầu có giảm xuống dưới 50USD như hiện nay cũng không ảnh hưởng quá nặng nề tới sức tăng trưởng của nền kinh tế Nga'' - ông Thịnh khẳng định.
Giá 50USD/thùng, Mỹ sẽ tiếp tục vừa dự trữ vừa khai thác.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, vấn đề cần nhìn nhận rõ ràng ở đây không phải là việc Mỹ tác động làm giảm giá dầu thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Nga thế nào mà cần phải nhìn vào nội tại của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Nga đang có những bước chuyển mình đáng kể trong tái cấu trúc nền kinh tế giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ. Từ chỗ phụ thuộc vào dầu mỏ chiếm 40-50% GDP thì hiện nay, thu nhập từ dầu mỏ đã giảm đi đáng kể. Điều này làm cho nền kinh tế Nga bớt trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào giá dầu, thúc đẩy các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến chế tạo... tăng trưởng và dần tươi sáng.
Đặt vào bối cảnh chung của kinh tế hiện tại, ông Đinh Trọng Thịnh dự đoán, trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng ở mức cầm chừng chứ chưa tăng trưởng mạnh, đặc biệt là tình hình Brexit ở châu Âu, bước sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, giá dầu không trở nên nóng bỏng.
Các nước xuất khẩu dầu nên tiếp tục kế hoạch cắt giảm sản lượng đang được thực thi hiện nay nhằm làm cho lượng cung - cầu trên thế giới tương đồng với nhau. Từ đó, tương đồng với giá trị thật của các tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo được.
Theo vị chuyên gia, giá dầu sẽ còn biến động trong khoảng từ 42-45 USD/thùng hoặc tăng lên tới 70USD/thùng nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn. Mức biến động chính vẫn nằm trong khoảng 50-60USD/thùng để các nước xuất khẩu dầu cũng có thể chấp nhận được để tiếp tục sản xuất.
Nguồn tin: Baodatviet