Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ điều 30 tăng Abrams, quyết hút cạn dầu Syria?

Mỹ đang tìm cách triển khai một nửa tiểu đoàn bộ binh và một lữ đoàn xe bọc thép gồm 30 xe tăng Abrams tới các mỏ dầu ở đông bắc Syria.

Ngày 24/10, một nguồn tin ở Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, Mỹ đang lên kế hoạch triển khai quân đội và xe tăng chiến đấu đến các cơ sở dầu mỏ phía đông bắc của Syria.

Vị quan chức quốc phòng giấu tên cho biết, Mỹ đang tìm cách triển khai một nửa tiểu đoàn bộ binh và một lữ đoàn xe bọc thép bao gồm 30 xe tăng Abrams tới các mỏ dầu ở đông bắc Syria. Kế hoạch này đang chờ Nhà Trắng phê duyệt.

Các mỏ dầu ở đông bắc Syria, bao gồm al-Rmelan và al-Omar, hiện được kiểm soát bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo. Lực lượng này sẽ tiếp tục tham gia vào việc bảo vệ khu vực giàu tài nguyên này.


Xe tăng Abrams Mỹ trên chiến trường.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút quân khỏi đông bắc Syria. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn sẽ kiểm soát căn cứ al-Tanf và các mỏ dầu bờ đông Euphrates.

"Tổng thống đã tuyên bố rằng, chúng ta sẽ có một lực lượng trong khu vực để bảo vệ các các mỏ dầu, cũng như căn cứ tại al-Tanf, miền nam Syria. Đó là những cứ điểm quan trọng để Mỹ ngăn cản sự hồi sinh của ISIS.  Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ xem xét đến việc bán dầu như thế nào", vị quan chức quốc phòng nói thêm.

Lầu Năm Góc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến thông tin trên. Nếu kế hoạch điều quân đến các mỏ dầu đông bắc Syria được phê duyệt, nó sẽ mâu thuẫn với quyết định rút quân của ông Donald Trump.

Giới quan sát cho rằng, bằng cách kiểm soát các mỏ dầu, Washington rõ ràng đang cố gắng làm khó chính quyền Tổng thống Assad. Bởi lẽ, chính Damascus cũng đang tham gia vào một thỏa thuận với SDF nhằm để lấy lại nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước.

Thực tế, ngay cả khi Mỹ và đồng minh kiểm soát được các cơ sở dầu mỏ ở bờ đông sông Euphrates thì họ cũng không thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên này.

Bởi lẽ, phần lớn hệ thống đường ống dẫn dầu nằm ở phía tây Syria. Các hoạt động buôn bán, giao dịch cũng diễn ra tại khu vực này. Nguồn dầu thô nặng mà Mỹ và đồng minh khai thác được chỉ có thể bán theo cách thủ công với giá rẻ mạt.

Nếu tiếp tục ôm khư khư các mỏ dầu đông bắc Syria, Mỹ và đồng minh sẽ chỉ thu được một phần lợi ích. Nếu đem so sánh với những gì Mỹ bỏ ra ở Syria, thậm chí Washington còn bị lỗ.

Trước đó, ông Brett McGurk, cựu đặc phái viên Mỹ chuyên trách liên minh chống IS cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Donald Trump thiếu khả thi. Bởi lẽ, việc bố trí vài trăm lính đặc nhiệm chỉ đủ sức giám sát khu vực mỏ dầu khi hợp tác chặt chẽ với SDF và được bọc lót bởi hỏa lực hùng mạnh của không quân Mỹ.

Nếu xét về lâu về dài, quyết sách của Tổng thống Mỹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà Washington không thể lường trước được. Thậm chí, Mỹ có thể đánh mất vị thế của mình tại khu vực giàu tài nguyên ở Syria.

"Chúng ta đã từ bỏ phần lớn vành đai phía đông bắc Syria. Giờ đây, chúng ta lại muốn cố thủ kiểu Pháo đài Apache chỉ với vài trăm lính Mỹ", McGurk nhận định quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump mâu thuẫn với ý tưởng bảo vệ mỏ dầu mà ông vừa công bố.

"Đừng tiếp tục hoang tưởng về sức ảnh hưởng của chúng ta với cục diện tại Syria. Sức ảnh hưởng đó đã bốc hơi hết cả rồi", cựu đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM