Một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông tin với Reuters hôm thứ Tư, các biện pháp giới hạn giá của nhóm G7 được thực hiện để hạn chế nguồn thu từ dầu của Nga sẽ không nhắm vào OPEC, mặc dù hành động này có lẽ không làm giảm bớt hiềm khích giữa Mỹ và OPEC.
Hoa Kỳ đã thông báo thực tế này với OPEC để trấn an họ rằng bất kỳ hành động giới hạn giá nào cũng sẽ không được lặp lại để đáp trả việc cắt giảm sản lượng của OPEC.
Căng thẳng đã leo thang giữa Hoa Kỳ và OPEC - đặc biệt là Ả Rập Xê-út - kể từ sau cuộc họp OPEC+ gần đây nhất, nơi nhóm này quyết định cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng/ngày, bất chấp việc Hoa Kỳ vận động hành lang quyết liệt để trì hoãn bất kỳ việc cắt giảm sản lượng nào.
Ả-rập Xê-út cho biết, việc cắt giảm sản lượng thực tế của OPEC+ trong tháng 11 sẽ ở mức gần 1 triệu thùng/ngày, với một số thành viên đã không đạt được mục tiêu mới. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ giúp Nga bỏ thêm tiền bán dầu vào túi bằng cách đẩy giá dầu đi lên.
Mặc dù giá đã tăng sau cuộc họp của OPEC+, nhưng sau đó đi xuống trở lại. Nhưng căng thẳng giữa Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ thì không hạ nhiệt.
G7 đã đồng ý giới hạn giá vào tháng 9, với EU đồng ý vào tháng 10. Chi tiết về giới hạn giá vẫn cần đạt được thỏa thuận thông qua thảo luận, và G7 đã mời tất cả các quốc gia đóng góp ý kiến về việc đề ra giới hạn giá, mong muốn có “một liên minh rộng lớn để tối đa hóa tính hiệu quả và thúc giục tất cả các quốc gia vẫn đang tìm cách nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga cam kết chỉ mua với giá bằng hoặc thấp hơn giá trần”.
Bloomberg cho rằng các quan chức Nhà Trắng lo ngại mức trần đối với giá dầu thô của Nga có thể khiến giá tăng sau quyết định của OPEC+, làm gia tăng sự biến động của thị trường dầu mỏ.
Nguồn tin: xangdau.net