Cách đây chưa đầy hai năm, Hoa Kỳ là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Chính nhà sản xuất mới này đã nắm quyền điều chỉnh giá lên hoặc xuống bằng một cái nhún vai, thách thức vai trò định giá lâu đời của OPEC.
Và rồi tất cả đã thay đổi khi đại dịch bùng phát.
Năm đại dịch thứ hai sắp kết thúc và dầu đang tăng nhanh do nguồn cung thắt chặt kết hợp với nhu cầu dự kiến mạnh hơn do một loạt các hoàn cảnh thuận lợi đã đẩy West Texas Intermediate lên mức cao nhất trong tám năm. Nhưng Mỹ không còn là nhà sản xuất nắm quyền chi phối nữa. Thậm chí Nhà Trắng còn yêu cầu OPEC bơm thêm dầu.
Chính quyền Biden lần đầu yêu cầu OPEC tăng nguồn cung dầu thô vào mùa hè. Nhưng OPEC đã phớt lờ yêu cầu này, giống như họ đã từng làm hai cuộc họp gần đây nhất, trong đó các thành viên của nhóm OPEC+ quyết định tiếp tục bổ sung 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu mỗi tháng mà không nhiều hơn. Washington vẫn quan ngại.
“Tổng thống Joe Biden biết rằng giá xăng cao là không tốt cho những người đương nhiệm,” Daniel Yergin, nhà sử học dầu mỏ và phó chủ tịch IHS Markit, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn tuần này. “Chúng ta chắc chắn sẽ nghe được nhiều thông tin hơn từ chính quyền.”
Cách đây chưa đầy hai năm, sẽ thật nực cười khi nghĩ rằng nhà sản xuất mới, nắm quyền chi phối này, là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, bơm khoảng 13 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trước ba tháng khi virus corona lây lan, lại cần yêu cầu OPEC đưa thêm dầu cho thị trường. Tuy nhiên, đây chính xác là những gì Nhà Trắng đang làm. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Một trong những điều đã xảy ra là kỷ luật vốn. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ chỉ vừa mới phục hồi sau đợt giảm giá năm 2014. Nó vẫn đang tiêu xài từng đô la Mỹ vào sự tăng trưởng sản xuất khi đại dịch xảy ra, càng làm tăng thêm sự bất mãn vốn đã âm ỉ của các cổ đông. Áp lực xảy ra sau đó, gia tăng sức ép từ các ngân hàng ngày càng không muốn cho những công ty thăm dò và khai thác vay một cách hào phóng nữa trong bối cảnh chương trình chuyển đổi xanh đang gia tăng.
Tuy nhiên, không chỉ những cân nhắc về Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã khiến các ngân hàng lạnh nhạt đối với các công ty dầu khí. Việc các mỏ dầu hoạt động kém hiệu quả cũng làm tăng thêm tâm lý tiêu cực, cũng như sự thất bại liên tục trong việc tích lũy lượng tiền mặt đáng kể cho phần lớn ngành này. Các cổ đông đã tỏ ra không hài lòng và những tổ chức cho vay cũng vậy.
Và sau đó, vào tháng 4, WTI rớt xuống mức giá âm.
Con đường duy nhất hợp lý trong tình huống đó là thắt lưng buộc bụng. Đây chính xác là những gì các công ty dầu mỏ của Mỹ đã làm và họ vẫn đang làm. Và đây là lý do tại sao chính quyền Biden phải yêu cầu OPEC giúp hạ nhiệt giá xăng.
Giám đốc điều hành của Pioneer nói với FT vào đầu tháng này rằng các công ty khai thác đá phiến của Mỹ không thể tăng nguồn cung để hạn chế đà tăng giá ngay cả khi họ muốn như vậy, vì vậy giá vẫn “nằm trong tầm kiểm soát của OPEC”.
Scott Sheffield nói: “Mọi người đều sẽ tuân thủ kỷ luật vốn, cho dù dầu Brent ở mức 75 USD, 80 USD hay 100 USD. Tất cả các cổ đông mà tôi đã nói chuyện đều nói rằng nếu công ty nào quay trở lại sự tăng trưởng thì họ sẽ trừng phạt công ty đó”.
Ông cũng nói: “Tôi không nghĩ thế giới có thể phụ thuộc nhiều vào đá phiến của Mỹ. Nó thực sự nằm dưới sự kiểm soát của Opec."
Đó là một cái kết đáng buồn cho một câu chuyện thăng trầm chỉ trong thời gian ngắn, nhưng không có nghĩa là dầu đá phiến đã chết với tư cách là một nhà sản xuất chi phối. Bất chấp kỷ luật nghiêm ngặt mà các công ty đá phiến đại chúng đang duy trì, những công ty tư nhân nhỏ hơn không bị ràng buộc phải làm hài lòng bất kỳ cổ đông nào. Và những nhà sản xuất này đang tiếp tục khoan dầu.
Tờ FT đã viết vào tháng 9 về cách các công ty tư nhân nhỏ đang tăng cường sản xuất và cách một số nhà quan sát dự báo sự dẫn đầu của những công ty này, sản lượng của Mỹ có thể tăng thêm 800.000 thùng/ngày vào năm 2022. Điều đó sẽ khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất tăng trưởng sản lượng nhanh nhất bên ngoài OPEC +.
Sau đó, vào đầu tuần này, Bloomberg đưa tin mức sản lượng tại lưu vực Permian đã về gần mức trước đại dịch. Sự gia tăng này đến từ các công ty tư nhân, nhỏ hơn, được tài trợ bởi vốn cổ phần tư nhân hoặc tiền của gia đình. Tuy nhiên, đà tăng sẽ không đủ mạnh để có bất kỳ tác động giảm giá đáng kể nào đối với giá dầu.
Trong khi đó, những công ty đại chúng lớn hơn vốn dẫn đầu thúc đẩy tăng trưởng sản xuất trước đó vẫn miễn cưỡng tăng sản xuất vì họ vẫn phải đối mặt với cổ đông nhạy cảm.
Sự quá mẫn cảm này sẽ kéo dài trong bao lâu là điều mà không ai biết chắc chắn và phần lớn sẽ phụ thuộc vào tiến trình của quá trình chuyển đổi năng lượng. Ở châu Âu, chúng ta đang nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên cho thấy không phải tất cả đều diễn ra tốt đẹp và những sai lầm có thể đã xảy ra trong suốt chặng đường. Sẽ mất một thời gian trước khi chúng ta thấy điều tương tự ở Hoa Kỳ, nếu có. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia có tiềm năng đáng kể để trở lại vị thế nhà sản xuất nắm quyền chi phối.
Liệu ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ có lấy lại được động lực cần thiết hay không thì vẫn phải chờ xem sao.
Nguồn tin: xangdau.net