Giá “vàng đen” tăng mạnh trong phiên 5/4 khi nhà đầu tư nhận định thị trường có dấu hiệu thắt chặt hơn.
Thị trường dầu mỏ ghi nhận một tuần giao dịch khởi sắc với đà leo dốc mạnh trong phiên 5/4, trong đó dầu Brent vượt lên trên ngưỡng quan trọng 70 USD/thùng trong bối cảnh giới đầu tư vẫn tập trung vào các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu thô đã chìm vào sắc đỏ vào đầu phiên này, nhưng quay đầu tăng cao sau báo cáo việc làm tháng 3 tốt hơn dự báo.
Dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 15 giàn trong tuần này lên 831 giàn, dẫu vậy, dữ liệu đã không làm ảnh hưởng đến đà tăng của giá dầu. Số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng sau 6 tuần sụt giảm liên tiếp.
Giá dầu cũng được hỗ trợ đi lên trong phiên sau khi Mỹ thông báo sẽ áp đặt trừng phạt mới đối với Iran và Venezuela.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên 5/4.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/4, giá dầu Brent nhích 94 xu Mỹ (tương đương 1,4%) lên 70,34 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 8/11/2018. Tuần qua, giá dầu này đã tăng 4,1%, đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 98 xu Mỹ (tương đương 1,6%) lên 63,08 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4,9%. Giá dầu ngọt nhẹ đã tăng liên tiếp 5 tuần. Giá dầu WTI đã bứt phá gần 39% từ đầu năm đến nay, còn dầu Brent nhảy vọt 30,7%.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 5/4 cho biết, Mỹ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào 34 tàu do Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela ( PDVSA) sở hữu hay điều hành. Đây được cho là bước đi mới nhất nhằm gia tăng sức ép lên chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Các quan chức Mỹ ngày 5/4 cũng cho biết sẽ sớm đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Nếu tuyên bố này được xác nhận, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chính thức đưa quân đội của một quốc gia khác vào nhóm khủng bố. Quyết định này dự kiến được Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sớm nhất là vào đầu tuần tới.
“Dầu nhảy vọt trong tuần này nhờ các yếu tố quan trọng, gồm sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi, các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu của Iran và Venezuela, cùng nhu cầu dường như vẫn còn mạnh mẽ”, Jason Gammel - chuyên gia phân tích chứng khoán tại Jefferies, nhận định. “Tổng dự trữ thương mại tại Mỹ đã giảm 38 triệu thùng trong 10 năm qua, một dấu hiệu tốt cho thấy tồn kho ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đang suy giảm”.
Giá "vàng đen" đã nhảy vọt từ cuối năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy nhờ động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Ả Rập Saudi, cùng với các nhà sản xuất đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Các nhà phân tích nói rằng đang có lo ngại rằng đà tăng mạnh của giá dầu có thể mang lại ít nhất một phản ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm chậm bước tiến của dầu.
Eugen Weinberg, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, nhận định: "Giá dầu leo dốc mạnh sẽ khiến Chính phủ Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran về 0 càng sớm càng tốt".
Các lệnh miễn trừ cấm vận của Mỹ đối với 8 quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã cho phép miễn trừ cấm vận vào tháng 11/2018 khi giá dầu leo cao để đối phó với sự thắt chặt sản lượng từ OPEC, vốn được thắt chặt hơn do sự sụt giảm sản lượng ở Venezuela, và dự báo về cách lệnh trừng phạt Iran.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn