Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố bỏ miễn trừ trừng phạt Iran vào ngày 2/5 tới.
Washington Post dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ có kế hoạch công bố việc bỏ miễn trừ trừng phạt nhập khẩu dầu Iran với 5 quốc gia trước đó gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Kể từ tháng 11/2018, 3 khu vực được miễn trừ là Ý, Hy Lạp và Đài Loan đã ngừng nhập khẩu dầu từ Iran.
Miễn trừ trừng phạt này sẽ hết hạn vào ngày 2/5.
Nguồn tin của tờ báo Mỹ cho biết, Tổng thống Trump đã ký quyết định không gia hạn miễn trừ trừng phạt cho các quốc gia trên từ thứ Sáu tuần trước. Nhà Trắng đã dự định gia tăng áp lực với Iran bằng cách bóp nghẹt doanh thu xuất khẩu dầu của nước này.
Đây là quá trình Mỹ chuẩn bị cho việc rút lui hoàn toàn của nguồn cung Iran trên toàn cầu: giảm dần khách hàng nhập khẩu dầu của Iran.
Quyết định này dự báo sẽ nhận sự phản đối gay gắt của người đồng minh Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc quốc gia đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại đặc biệt như Trung Quốc.
Ankara lập luận, dầu của Iran có tác động rất lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế hàng hóa với Iran.
Cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin từng nói rằng, Ankara kỳ vọng Mỹ tiếp tục miễn trừ trừng phạt Iran đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi biết rằng, lệnh trừng phạt sẽ không thực sự tạo nên kết quả mà họ mong muốn là sẽ thay đổi hành vi của Iran" - ông Kalin nói.
Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ - những người mua hàng lớn của Iran- đã tìm cách để vận động hành lang ở Mỹ để trì hoãn quyết định này.
Câu hỏi về việc có nên tiếp tục miễn trừ trừng phạt Iran đã là một chủ đề tranh luận gay gắt ở Washington trong những tuần gần đây.
Cố vấn Tổng thống Mỹ John Bolton đã ủng hộ mạnh mẽ các miễn trừ trừng phạt trong khi ông Pompeo đã được một số quan chức Bộ Ngoại giao đề nghị nên kiến nghị với Tổng thống tiếp tục lệnh miễn trừ.
Vào ngày 4/4, 23 Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi thư tới Tổng thống Trump kêu gọi ông chấm dứt miễn trừ này để tạo thành áp lực với Iran - quốc gia sản xuất dầu đứng thứ 3 trong OPEC.
Đáng chú ý là Thượng nghị sĩ John Cornyn tại Bang Texas - một bang trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ - đã dẫn đầu nỗ lực gây sức ép lên Tổng thống.
Vài ngày sau, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas cũng đã thúc ép ông Pompeo trong phiên điều trần của Thượng viện về việc miễn trừ với Iran.
Ông Ted Cruz kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ chấm dứt hai bộ miễn trừ riêng biệt: một cho phép một số quốc gia mua dầu từ Iran và một số nước khác cho phép một số quốc gia để làm việc với Iran trong một chương trình hạt nhân dân sự.
Cuối cùng, ông Trump đã quyết định không gia hạn các lệnh miễn trừ trừng phạt.
Mỹ sẽ không miễn trừ cho các quốc gia nhập khẩu dầu Iran nữa.
Các nhà phân tích cho rằng, lệnh không miễn trừ trừng phạt sẽ khiến giá xăng dầu tăng lên do nguồn cung giảm, đặc biệt là giá xăng dầu ở Mỹ sẽ có khả năng tăng lên 2%. Mức giá này cũng chịu ảnh hưởng do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga.
Ngay khi có tin tức về việc Mỹ ngừng miễn trừ trừng phạt Iran, giá dầu đã đón nhận tin tức tích cực.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,82 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, tương đương tăng 2,5%, đạt 73,79 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 1,5 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, đạt 65,5 USD/thùng.
Đây đều là mức giá cao nhất của dầu Brent và dầu WTI kể từ tháng 11/2018.
Nguồn tin: baodatviet.vn