Việc lộ thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump phê duyệt thỏa thuận đầu tiên cho một công ty Mỹ phát triển và hiện đại hóa các mỏ dầu ở phía Đông Bắc Syria - nơi nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, đang làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Damas, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Như vậy là sau khi dùng quân đội bảo vệ các mỏ dầu cho lực lượng người Kurd ở Syria, giờ là lúc Washington “nhận thù lao”. Nhưng liệu họ có dễ thực hiện được mục đích?
Ngày 5-8, CNN cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn thỏa thuận giữa Công ty Delta Crescent Energy của Mỹ với chính quyền bán tự trị người Kurd ở vùng Đông Bắc Syria. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ cùng phát triển các giếng dầu ở Đông Bắc Syria, trong đó có mỏ dầu lớn nhất Syria ở Deir Ezzor là al-Omar. Phần lớn các mỏ dầu ở phía Đông và Đông Bắc của Syria nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Damas. Chúng chủ yếu do người Kurd được quân đội Mỹ hỗ trợ kiểm soát. Đây là nguồn thu nhập chính cho chính quyền bán tự trị của người Kurd.
Quân đội Mỹ bảo vệ một mỏ dầu ở đông bắc Syria.
CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết, hợp đồng bí mật này đã được thảo luận hơn 1 năm qua, ký kết ở Syria tháng trước và được cho là sẽ mang lại hàng tỷ USD cho lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria mà không chia sẻ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cả chính quyền bán tự trị của người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đều không thông báo về thỏa thuận trên, trong khi tại Washington, các quan chức đã xác nhận một thỏa thuận "hiện đại hóa các mỏ dầu ở phía Đông Bắc Syria". "Chúng tôi được phê chuẩn tham gia tất cả các khía cạnh phát triển năng lượng, vận tải, tiếp thị, lọc dầu và khai thác nhằm phát triển và tái phát triển hạ tầng ở khu vực và giúp người dân ở khu vực này đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế", ông James Cain, cựu Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và là đồng sáng lập Công ty Delta Crescent Energy, cho biết.
Hai đối tác của Cain là James Reese, cựu sĩ quan Mỹ từng điều hành một công ty an ninh riêng và John Dorrier, một tài phiệt trong ngành dầu khí với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động ở Trung Đông. Ba người này đã lập ra một công ty mới nhằm mục đích duy nhất là đạt được thỏa thuận ở Syria. Họ đã tích cực làm việc với giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ hơn 1 năm qua. Đến tháng 4 năm nay, Công ty Delta Crescent Energy được Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách miễn trừ để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên chính quyền Syria.
Thứ Năm tuần trước, trong phiên điều trần tại Quốc hội tại Washington, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói rằng chính quyền Mỹ đã đề cập đến thỏa thuận với tổng tư lệnh của SDF, Mazloum Abdi. "Rõ ràng họ đã ký một thỏa thuận với một công ty dầu mỏ của Mỹ để hiện đại hóa các mỏ dầu ở phía Đông Bắc Syria", ông nói. Bị thẩm vấn bởi ông Graham trong phiên điều trần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận sự hỗ trợ của Washington trong việc này. "Thỏa thuận mất nhiều thời gian hơn chúng tôi dự kiến, chúng tôi hiện đang trong quá trình thực hiện nó. Nó có thể rất lớn", ông Pompeo nói.
Ngay sau các tin tức rò rỉ về thỏa thuận, chính quyền Tổng thống Syria Assad đã ra tuyên bố gọi thỏa thuận này là "không có hiệu lực và không có cơ sở pháp lý". Damas tố cáo thỏa thuận này là một "hành vi trộm cắp" và một cuộc tấn công vào chủ quyền của đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3-8 lên tiếng tố cáo thỏa thuận dầu mỏ giữa một công ty dầu mỏ của Mỹ và chính quyền bán tự trị người Kurd ở vùng Đông Bắc Syria. Ankara coi đây là điều "không thể chấp nhận" và rằng đó là hành động "tài trợ cho khủng bố". Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng người Kurd ở Syria là mối họa tiềm tàng.
Nga cũng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận của Delta Crescent Energy với chính quyền bán tự trị Kurd. Trong một bình luận trên Twitter, Đại sứ quán Nga tại Canada chỉ trích: "Với vỏ bọc dân chủ và tự do, các nước phương Tây tiếp tục lấy đi tài nguyên thiên nhiên của Syria”.
Theo giới phân tích, hợp đồng này phù hợp với mục tiêu lâu dài của Tổng thống Donald Trump là đảm bảo sự kiểm soát của Mỹ đối với các mỏ dầu trong khu vực. Đồng thời, thỏa thuận dầu mỏ này cũng giúp Mỹ có chỗ đứng vững chắc hơn ở một khu vực tranh chấp nóng bỏng tại Trung Đông và củng cố liên minh với chính quyền người Kurd - chưa đầy một năm sau khi ông Trump nói sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Nhưng động thái này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Nga, mà các nguồn tin nói với CNN rằng cũng đã tìm cách để giành được hợp đồng như vậy.
Nga đã không giấu giếm ý định khẳng định quyền kiểm soát các mỏ dầu ở miền Bắc Syria, nơi chính quyền Assad coi là nguồn thu quan trọng. Hồi đầu năm nay, một đoàn xe quân sự Nga gồm 5 xe thiết giáp chở quân và một xe bán tải đã tìm cách tiếp cận mỏ dầu Rumeylan ở tỉnh Al-Hasakah, Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, các binh sĩ Mỹ đã chặn đoàn xe Nga tại thị trấn bên ngoài mỏ dầu.
Vụ đối đầu không dẫn đến nổ súng hoặc gây nguy hiểm cho lực lượng hai bên, khi các quân nhân Nga sau đó quay xe và trở về căn cứ. Hai ngày sau, lực lượng dân quân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn cũng ngăn cản các binh sĩ Nga đi qua thành phố Qamishli để thiết lập khu vực quân sự gần mỏ dầu Rumeylan.
Xem ra “thù lao” mà Mỹ muốn nhận cũng sẽ không dễ dàng gì “nuốt trôi”. Trong khi sự hiện diện và vai trò của quân đội Mỹ ở Syria còn hạn chế, chưa tới 1.000 lính Mỹ hiện đang ở nước này, Chính phủ Mỹ lại không nói rõ ràng rằng họ sẽ hỗ trợ các nhà thầu Mỹ như thế nào khi họ bị tấn công.
Cuộc chiến tranh chết chóc đã tàn phá Syria kể từ năm 2011, khiến ngành dầu mỏ nước này thiệt hại hàng chục tỷ đô la. Trước cuộc xung đột, sản lượng dầu thô của Syria đạt gần 400.000 thùng mỗi ngày. Hiện nay sản xuất dầu thô của nước này hoàn toàn suy sụp.
Nguồn tin: antg.cand.com.vn/